Trong năm 2016, dù đã cố gắng khắc phục nhưng vẫn có khoảng 28,2 tỷ USD đã thất thoát khỏi Trung Quốc. Yvonne Siew, Giám đốc điều hành CBRE Global Capital Markets cho biết, vẫn có một dòng vốn chảy ra nước ngoài do các nhà đầu tư muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã hạn chế đầu tư ra nước ngoài.
Các nhà nghiên cứu của CBRE dự đoán, tại Trung Quốc, các dòng vốn đầu tư vào BĐS nước ngoài trong năm nay có thể sẽ suy giảm. Bà Siew cho biết: “Thay vì các giao dịch lớn, các nhà đầu tư Trung Quốc có thể lựa chọn một số lượng lớn các giao dịch nhỏ hơn”.
Singapore, Hongkong và Hàn Quốc là những thị trường có nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất châu Á sau Trung Quốc. Châu Á có 6/10 giao dịch ra nước ngoài lớn nhất thế giới trong năm nay.
Trong 2 năm liên tiếp, Hoa Kỳ nổi lên là một trong những thị trường được yêu thích nhất trong tất cả các điểm đến của các nhà đầu tư châu Á. Hoa Kỳ đã thu hút được 43% tất cả các khoản đầu tư BĐS, trong đó có sự tăng trưởng đáng kể của các nhà đầu tư Nhật Bản.
Robert Fong, Giám đốc nghiên cứu của CBRE khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Chúng tôi hy vọng Nhật Bản sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài trong năm tới”.
Thay thế London, New York đã trở thành điểm đến được ưa chuộng nhất của các nhà đầu tư nước ngoài. Tiếp đến là là Hongkong, Seoul và Sydney.
Lượng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư BĐS châu Á đổ vào Châu Âu, Trung Đông và châu Phi đã tăng 27%. Trong năm 2016, các nhà đầu tư châu Á đã đổ 23% vốn vào các thị trường này.