Bất động sản thế giới

Los Angeles (Mỹ) là thị trường đầu tư BĐS tốt nhất toàn cầu

07/07/2017

Báo cáo Chỉ số đô thị toàn cầu do Schroders công bố gần đây đã cho thấy sự thay đổi đáng kể trong bảng xếp hạng những thị trường đầu tư BĐS giàu tiềm năng nhất trên thế giới. Cụ thể, Schroders đã xếp Los Angeles, London, Boston, Chicago và New York theo thứ tự là những thị trường đầu tư BĐS có lợi nhuận dài hạn tốt toàn cầu. Ngoại trừ thủ đô London của Anh, 4 vị trí còn lại trong top 5 đều là các đại diện của Mỹ.

Los Angeles “nhảy cóc” 5 bậc, từ vị trí thứ 6 của bảng xếp hạng lần trước lên vị trí đầu bảng hiện tại. Thành phố này đang tự đổi mới mình từ một trung tâm công nghiệp phim ảnh thành một bệ phóng cho những người mới khởi nghiệp. Các công ty startup lớn mạnh như Snapchat, SpaceX và Auction.com cũng đặt trụ sở tại Los Angeles.

Los Angeles được đánh giá là thị trường đầu tư BĐS giàu tiềm năng nhất trên thế giới

Ông Tom Walker, Giám đốc phụ trách mảng BĐS toàn cầu của Schroders nhận định: “Một trong những thế mạnh quan trọng của Los Angeles là sự đa dạng trong các ngành kinh tế, từ dịch vụ tài chính, truyền thông đến thương mại và công nghệ."

Vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng thuộc về Hong Kong – thị trường BĐS đắt đỏ nhất thế giới. Với giá nhà đất không ngừng tăng lên, Hong Kong hứa hẹn khả năng sinh lời cho các nhà đầu tư BĐS quốc tế. Singapore đứng ở vị trí thứ 9 toàn cầu, xếp thứ 2 tại châu Á.

Bảng xếp hạng mới nhất cũng chứng kiến sự xuống dốc nhanh chóng của thị trường Trung Quốc. Tại lần xếp hạng trước, các thành phố Trung Quốc đại lục từng chiếm phần lớn các vị trí đầu tiên. Tuy nhiên, lần này, Bắc Kinh để mất vị trí đầu bảng về tay Los Angeles và tụt xuống vị trí thứ 11 toàn cầu. Thượng Hải cũng rơi từ vị trí thứ 2 xuống thứ 10. Thâm Quyến tụt hạng sâu nhất, từ vị trí thứ 3 xuống tận thứ 24 thế giới.

Khoảng 160 thành phố trên toàn cầu đã được phân tích để cho ra bảng xếp hạng những thị trường đầu tư BĐS tiềm năng nhất. Houston và Melbourne đã rơi khỏi top 10 kể từ lần xếp hạng trước. Cùng với London, Paris là đại diện hiếm hoi của châu Âu góp mặt trong top 20.

Xếp hạng của Schroders được xác định dựa trên một loạt các chỉ số như tăng trưởng GDP, doanh số bán lẻ, thu nhập trung bình dự kiến, quy mô dân số (chỉ tính người từ 15 tuổi trở lên). Khác với các bảng xếp hạng trước đó, xếp hạng lần này còn xét đến tiêu chí chất lượng giáo dục đại học của khu vực được nghiên cứu.

Theo các chuyên gia của Schroders, các trường đại học đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế của một thành phố. Những đổi mới và giáo dục chất lượng cao cung cấp một lực lượng lao động được đào tạo tốt hơn, có năng suất cao hơn. 

Các thành phố của Mỹ xếp hạng cao trong báo cáo lần này của Schroders một phần là nhờ có các trường đại học danh tiếng nhất toàn cầu. Tương tự như vậy đối với các thành phố Trung Quốc, Thâm Quyến rớt hạng sâu hơn nhiều so với Thượng Hải và Bắc Kinh là do không được đánh giá cao về giáo dục đại học như hai thành phố trên.