Tài chính Chứng khoán

Vốn vào BĐS chiếm 20,9% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 1/2017

08/02/2017

Lĩnh vực kinh doanh BĐS ở Việt Nam vẫn tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài (Ảnh: VOV)

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2017, dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) đạt 297,4 triệu USD trong tổng số vốn FDI đăng ký của các dự án cấp mới và vốn bổ sung đạt 1.423 triệu USD. Trong tháng đầu năm nay, dù ngành kinh doanh BĐS không có dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, số vốn vào lĩnh vực BĐS vẫn chiếm 20,9% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong tháng 1/2017.

Theo nhiều dự báo, với nhiều tiềm năng sinh lời, lĩnh vực kinh doanh BĐS ở Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Cũng theo các chuyên gia, những nhà đầu tư ngoại cũng khá nhanh nhạy với thị trường. Nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của đại bộ phận người dân Việt Nam, họ đã đẩy mạnh hợp tác phát triển dòng sản phẩm trung bình khá và nhà ở xã hội thay vì chỉ tham gia vào phân khúc cao cấp và hạng sang như trước đây. Đó là những sản phẩm được xây dựng theo tiêu chuẩn nhà ở của Nhật, Hàn Quốc, Singapore.

Thực tế, tại Tp.HCM, đã có một số dự án FDI lớn như Creed Group đầu tư vào City Gate 500 triệu USD, Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad hợp tác với Nam Long, River City với Phát Đạt và An Gia Investment. Gần đây Toshin Development đã đề xuất đầu tư dự án xây dựng trung tâm thương mại ngầm Bến Thành.

Bên cạnh đó, Global Group bắt tay với Công ty CP Nhà Mơ đầu tư dự án ở Quận 8, tập đoàn Maeda với Thiên Đắc phát triển dự án căn hộ cao cấp Waterina tại quận 2; với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng, Pressance Corporation hợp tác với Tiến Phát để cùng mua lại một dự án và xây dựng 500 căn hộ.

Thị trường BĐS cũng đang đón nhận tin vui khi các nhà đầu tư, công ty quản lý địa ốc chuyên nghiệp từ Nhật Bản đã bắt đầu "đổ bộ" vào Việt Nam. Mới đây, JICA cho biết Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam đầu tư dự án chống ngập ở Tp.HCM trị giá 211 triệu USD. Dự án được bắt đầu thực hiện vào năm 2017 và nhà đầu tư sẽ được nhận khu đất có giá trị ngang với tổng mức đầu tư dự án để phát triển chung cư 20 tầng.

Hay ngày 5/9/2016, Công ty CP Nhà Mơ đã ký hợp tác toàn diện với Tập đoàn The Global Group, nhà đầu tư, phát triển và quản lý BĐS hàng đầu Nhật Bản. Một thương vụ khác cũng vừa diễn ra giữa Công ty CP Nhà Hòa Bình với hai tập đoàn của Nhật Bản là Okamura Home và Sanyo Homes.

Đáng chú ý, nếu trước đây Nhật Bản đầu tư vào BĐS chủ yếu dưới dạng đầu tư tài chính, thì hiện nay một số tập đoàn BĐS hàng đầu của Nhật Bản đã đầu tư trực tiếp vào dự án sẽ có tác động nâng cao chất lượng của thị trường Việt Nam, đặc biệt là những dự án ở những đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng.

Tổng Giám đốc tập đoàn Sao Khuê, ông Thân Thành Vũ cho biết, tháng 10/2016, trong chuyến xúc tiến đầu tư gồm nhiều doanh nghiệp địa ốc trong nước tại Nhât Bản, nhiều tập đoàn Nhật Bản đã tỏ rõ mong muốn đầu tư vào Việt Nam và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư địa ốc tại Tp.HCM và Hà Nội để phát triển nhà ở cao cấp, căn hộ dịch vụ, cao ốc văn phòng, khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại… ở khu vực trung tâm. Tổng số tiền mà các tập đoàn này muốn đầu tư ngay vào các dự án ước tính lên đến hơn 2 tỷ USD.

Ông Vũ dự báo, sắp tới nhiều khả năng sẽ có rất nhiều các dự án BĐS tại Tp.HCM và Hà Nội đổi chủ. Ông Vũ cho biết: “Doanh nghiệp Nhật mạnh về tài chính, lãi suất vay còn rất thấp và có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển kinh doanh BĐS, sẽ dễ dàng thâu tóm các dự án BĐS có vị trí đẹp của doanh nghiệp trong nước”.