Hiện, cổ phiếu LDG của Công ty CP Đầu tư LDG đang giao dịch ở quanh mức 9.130 đồng/cổ phiếu. Đây là công ty địa ốc còn non trẻ, chủ yếu phát triển đất nền ở Đồng Nai, Bình Dương và Phú Quốc. Dù sở hữu 800 ha đất nhưng các dự án của LDG đều nằm ở tỉnh và khó bán hàng. Chẳng hạn, dự án The Viva City, khu biệt thự sinh thái Giang Điền, dự án Grand World, khu dân cư Sakura Valley… đều có tính thanh khoản rất chậm. Hầu hết các dự án của LDG đều đang đầu tư dang dở.
Đất nền có tính thanh khoản chậm nhưng cổ phiếu LDG vẫn tăng gần 100% giá trị
Ngày 30/11/2016, cổ phiếu LDG còn ở mức 4.900 đồng/cổ phiếu thì nay đã vọt lên 9.130 đồng/cổ phiếu. Đáng nói, hàng tồn kho và nợ phải trả của LDG là rất lớn. Tổng tài sản của LDG là hơn 2.805 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu khoảng 1.180 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ phải trả lên tới 1.625 tỷ đồng, hàng tồn kho chiếm hơn 1.080 tỷ đồng.
Như vậy, nợ phải trả của LDG lớn hơn vốn chủ sở hữu tới 545 tỷ đồng. Trong đó, nợ dài hạn hơn 961 tỷ đồng, nợ ngắn hạn chiếm hơn 50% vốn chủ sở hữu với gần 665 tỷ đồng. Năm 2015, nợ ngắn hạn của LDG chỉ 248 tỷ đồng.
Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức không khởi công bất cứ dự án nào trong gần một năm qua. Nhưng 3 tháng gần đây, mã cổ phiếu TDH của công ty này đã tăng liên tục. Hiện nay, cổ phiếu TDH đã tăng lên 13.400 đồng/cổ phiếu nếu 3 tháng trước chỉ ở quanh mức 8.000 đồng/cổ phiếu.
Điều đáng lo ngại nhất là nợ ngắn hạn của TDH đã lên tới 728 tỷ đồng, nợ dài hạn 296 tỷ đồng khi vốn chủ sở hữu khoảng 1.670 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là TDH sẽ xoay dòng tiền như thế nào để trả 728 tỉ đồng trong thời gian tới?
Được thành lập hơn 10 năm nhưng Công ty CP Đầu tư Căn Nhà Mơ Ước chưa có dự án nào được xây dựng, ngoài trừ dự án D-Vela ở quận 7 vừa được động thổ cuối tháng 2 vừa qua. Còn hàng loạt dự án mà Căn Nhà Mơ Ước đã "giành" đất đều trong tình trạng “trùm mền”.
Dẫu vậy trên HOSE, mã cổ phiếu DRH của Công ty CP Đầu tư Căn Nhà Mơ Ước lại có bước tăng giá thần tốc. Từ mức 17.300 đồng/cổ phiếu vào ngày 30/8/2016, hiện nay, DRH đã giao dịch ở mức 25.450 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, trong ba tháng qua, cổ phiếu LCG của Công ty CP Licogi 16 đã tăng hơn 100% giá trị. Từ mức giá 4.000 đồng, LCG đang giao dịch ở giá 8.300 đồng/cổ phiếu.
Sau thua lỗ nặng nề vào năm 2013, LCG bắt đầu hồi phục hoạt động kinh doanh khi lợi nhuận sau thuế kể từ 2014 đến nay. Tuy nhiên, theo nhiều nhà đầu tư, việc cổ phiếu LCG tăng giá mạnh gần đây chủ yếu đến do sự kỳ vọng vào sự hồi sinh từ đáy của doanh nghiệp. Sự kỳ vọng cũng đến từ sự ấm lên của thị trường BĐS và xây dựng trong khi tình hình kinh doanh của LCG thì không mấy sáng sủa.
Ngoài ra, hàng loạt mã cổ phiếu khác như HBC của Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình, CII của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM, DXG của Tập đoàn Đất Xanh… cũng tăng trần liên tục trong thời gian gần đây.
Thực tế, cổ phiếu là một kênh huy động vốn đối với doanh nghiệp và kênh đầu tư đối với người mua. Trong ngắn hạn, do quy luật cung cầu chi phối, mọi thứ có thể xảy ra đối với giá chứng khoán. Tuy nhiên về dài hạn, động lực tăng giá phải song hành với sự tăng trưởng của doanh thu và lợi nhuận đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Một chuyên gia chứng khoán lý giải: “Các mã cổ phiếu BĐS tăng trưởng thần tốc trong thời gian qua đều là Penny stock - cổ phiếu có giá trị dưới 5 USD. Lãnh đạo các doanh nghiệp này lo sợ bị thâu tóm thâu tóm nên đã tung tiền ra thu gom cổ phiếu của chính mình để tăng thêm tỉ lệ nắm giữ cổ phần. Đồng thời, chủ doanh nghiệp cũng muốn gia tăng sức mua nên giá cổ phiếu BĐS thị giá nhỏ có thể tiếp tục đi lên”.
Nhiều dự án trong tình trạng "trùm mền" nhưng cổ phiếu RDH vẫn tăng chóng mặt
Trong khi đó, theo các nhà đầu tư khác, việc hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh èo uột, không triển khai dự án nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng là do các công ty này bỏ tiền để các sàn chứng khoán lái. Điều này đẩy thị trường chứng khoán vào canh bạc đỏ đen khi sự lên xuống của các mã chứng khoán là do sự thao túng của các sàn chứng khoán chứ không phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh.
Hơn nữa, khi nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng sẽ giảm bởi việc siết tín dụng từ Thông tư 06 với lĩnh vực địa ốc, thị trường BĐS trong năm 2017 cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hiện tại, nguồn vốn tín dụng luôn được xem là yếu tố có vai trò quyết định để phát triển thị trường BĐS.
Hiệp hội BĐS Tp.HCM cũng cảnh báo, thị trường địa ốc năm nay có dấu hiệu chững lại. Dù chưa có dấu hiệu xảy ra bong bóng BĐS như năm 2007 nhưng cũng tìm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, các chuyên gia khuyên nhà đầu tư nên cẩn trọng với cổ phiếu địa ốc.