Tài chính Chứng khoán

Cổ phiếu ngân hàng - nhà đất: Những trụ cột ngàn tỷ hồi sinh

23/06/2017

Cổ phiếu tăng dữ dội

Tuần cuối tháng 4 vừa qua, cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) có sự khởi sắc ấn tượng trên sàn chứng khoán. Có thể đây chính là sóng tăng thứ 2 của cổ phiếu này. Hồi đầu năm, STB từng có lần tăng mạnh từ khoảng 8.000 đồng có lúc lên gần 14.000 đồng/cp, trước khi điều chỉnh giảm về ngưỡng 11.000 đồng/cp.

Từ đầu năm 2017, trên cả sàn HOSE và HNX cũng như trên thị trường OTC, hàng loạt các cổ phiếu ngân hàng ghi nhận biến động tăng rất mạnh. Cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) thậm chí từng có thời điểm tăng lên tới gần 40.000 đồng/cp.

Tương tự, cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội cũng tăng mạnh từ mức khoảng 12.000 đồng/cp hồi đầu năm lên gần 16.000 đồng/cp. Ngân hàng Á châu cũng không nằm ngoài đợt biến động này, với mức tăng từ khoảng 16.000 đồng lên gần 26.000 đồng/cp. Còn SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội tăng từ 4.000 đồng lên 7.500 đồng/cp.

Thị trường OTC ghi nhận hàng loạt cổ phiếu tăng giá dữ dội, thoát hẳn khỏi tình cảnh ế ẩm, cổ phiếu hạng ruồi, “làm của hồi môn không đắt” với mức giá đều dưới 10 ngàn đồng/cp như hồi đầu năm ngoái.

Giá cổ phiếu ngân hàng tăng vọt tạo sóng lớn. Ảnh minh họa

Cổ phiếu Techcombank và VPBank tăng vọt từ mức 8.000-9.000 đồng lên tới trên 31.000 đồng/cp, trong khi SGBank, HDBank và LVBank đều đã trở lại ngưỡng 10.000 đồng/cp.

Còn nhớ đầu năm 2016, giới đầu tư đã từng chứng kiến gần như toàn bộ các cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC có giá dưới mệnh giá. Có những cổ phiếu bán đấu giá cổ phần với giá khởi điểm thấp hơn 5.000 đồng/cp mà không thoát ế.

Nhóm cổ phiếu BĐS là yếu tố góp phần không nhỏ vào đợt tăng mạnh của thị trường chứng khoán thời gian qua. Không còn cảnh èo uột, nhiều cổ phiếu BĐS và xây dựng bất ngờ quay đầu tăng mạnh, nhất là từ đầu tháng 4 tới nay.

Đơn cử, cổ phiếu LGL của Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Long Giang nổi lên như một hiện khi tăng khoảng 40% trong vài tuần gần đây. Thậm chí, LGL còn đi ngược thị trường trong đợt điều chỉnh giảm gần đây.

Trong đại hội cổ đông tổ chức mới đây, Long Giang Land tự tin có thể thu lãi lớn trong năm 2017 và tăng vốn điều lệ lên hơn 530 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng chủ trương thành lập công ty con để đầu tư dự án TTTM tại 69 Vũ Trọng Phụng.

Cá biệt, cổ phiếu PDR của Công ty CP phát triển BĐS Phát Đạt còn tăng mạnh hơn nữa. Trong vòng 1 tháng qua, cổ phiếu này tăng vọt từ mức 14.000 đồng/cp lên 26.000 đồng/cp, nghĩa là tăng thêm gần 100%.

Trụ cột của thị trường

Tương tự như nhiều giai đoạn khởi sắc trước đây của thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng và BĐS bao giờ cũng là các nhóm tăng mạnh và trở thành trụ cho thị trường tăng điểm. Trước đây, có thời gian cổ phiếu ngành ngân hàng từng được mệnh danh là “cổ phiếu vua”, còn cổ phiếu BĐS cũng có sức hấp dẫn không kém với rất nhiều đợt sóng lớn.

Trên thực tế, cổ phiếu ngành tài chính ngân hàng luôn giữ vị trí tiên phong dẫn dắt thị trường mỗi khi thị trường chứng khoán hồi phục. Lý do là vì tài chính ngân hàng và thị trường chứng khoán cùng được dẫn dắt chung bởi niềm tin vào sự phục hồi nền kinh tế.

Cổ phiếu Sacombank thời gian gần đây cũng tăng mạnh trở lại bởi giới sự kỳ vọng của giới đầu tư vào sự hồi phục của ngân hàng vốn thuộc top đầu khối TMCP này. Sau 5 năm bất ổn về nhân sự gắn liền với sự ra đi của ông Đặng Văn Thành và sự rút lui của đại gia Trầm Bê, Sacombank bước đầu ổn định trở lại với một dàn nhân sự mới và một phương án tái cấu trúc mới.

"Cổ phiếu vua" một thời đã hồi sinh trở lại và trở thành trụ cột trên thị trường chứng khoán.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC sôi động hơn hẳn với các thông tin liên quan đến việc niêm yết lên sàn. Một loạt nhà băng lớn như Techcombank, TPBank, LienVietPostBank…đã chốt danh sách cổ đông làm thủ tục đăng ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), hoặc đang làm thủ tục lên sàn.

Còn nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt như VCB, MBB, ACB… thì được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng giá. Trong khi đó, nhiều cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực từ quá trình tái cơ cấu có thể sẽ bật tăng sau khi có phương án giải quyết nợ xấu và trở lại với quỹ đạo kinh doanh.

Theo giới chuyên gia, triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2017 cũng giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng và BĐS được hưởng lợi. Lợi nhuận của các nhà băng tăng mạnh nhờ sự phục hồi của hoạt động tín dụng với tốc độ lên tới 18-20% trong năm vừa qua cũng như mục tiêu tăng trưởng ở mức 18% trong năm nay.

Rất nhiều ngân hàng mạnh dạn đặt kế hoạch kinh doanh năm 2017 tăng trưởng cao so với năm 2016. Khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, phần lớn các ngân hàng nhận định tình hình kinh doanh tiếp tục có cải thiện. Điều này phản ánh qua việc có đến trên 90% ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng so với năm 2016; trong đó, thu nhập ròng từ lãi, thu nhập ròng từ phí và dịch vụ, thu nhập ròng từ hoạt động tự doanh đều được kỳ vọng tăng trưởng khá.

Ngược lại, các doanh nghiệp BĐS cũng sẽ được hưởng lợi từ tăng trưởng tín dụng của khối ngân hàng. Theo đó, nhiều doanh nghiệp địa ốc chứng kiến doanh thu tăng vọt và tồn kho giảm mạnh. Ngoài ra, lãi suất ổn định ở mức hợp lý cũng giúp chi phi giảm.