Thị trường

Vội vã đón đầu quy hoạch, nhiều doanh nghiệp vỡ mộng

14/03/2017

Những ngày vừa qua, cái tên dự án Home City bị khách hàng treo băng rôn phản đối tràn ngập các mặt báo. Sự việc xuất phát từ việc chủ dự án là Cty Văn Phú – Trung Kính tự thay đổi địa chỉ khu chung cư từ mặt đường sang đi đường tái định cư. Không chỉ đơn giản là lối đi mà sự thay đổi này cũng có thể khiến gần 1.000 cư dân tại dự án sẽ phải đối mặt với việc không được cấp sổ đỏ.

Hệ lụy vì… đón đầu

Chủ dự án thừa nhận, theo quy hoạch Hà Nội công bố thì tại vị trí dự án sẽ có con đường Nguyễn Chánh – Mạc Thái Tổ đi qua. Tuy nhiên, khi dự án đã hoàn thiện, cư dân dọn về ở nhưng con đường này vẫn chưa thông. Mặc dù chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị UBND Tp.Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy nghiên cứu, tạo điều kiện để con đường đi qua khu chung cư này được triển khai thi công sớm theo quy hoạch đã được phê duyệt nhưng xem ra việc này là vô cùng khó khăn.

Quay trở lại thời điểm năm 2008 khi cơn sốt bất động sản đang ở đỉnh cao. Lúc này giới đầu tư rỉ tai nhau thông tin dự án đường Hoàng Quốc Việt kéo dài có chiều dài khoảng 10km sẽ kết nối trực tiếp với trục đường chính của huyện Đan Phượng.

Từ khi xuất hiện thông tin quy hoạch dự án đường Hoàng Quốc Việt chạy sang cả địa bàn tỉnh Hà Tây, cùng với quy hoạch trục Hồ Tây – Ba Vì, tuyến đường này bỗng chốc trở nên “hot” với hàng loạt dự án vây kín hòng đón đầu quy hoạch. Có thể kể tới khu đô thị mới Tân Lập, Minh Khai – Phú Diễn, Tân tây nam Tân Lập, khu nhà ở Tân Lập…

Chủ đầu tư Home City vì nhanh nhẩu đón đầu quy hoạch khiến khách hàng lãnh
quả đắng, hàng trăm hộ dân căng băng rôn, biểu ngữ đòi lối đi

Thế nhưng, khi những dự án này được duyệt cũng là lúc thị trường bất động sản lao dốc không phanh, tuyến đường mới chỉ rục rịch làm được 200 – 300 m thì dừng lại và bất động từ đó đến nay. Còn các dự án nằm trên tuyến đường này đều có chung số phận “đắp chiếu”, có dự án trầy trật đến 5 – 7 năm mới băt đầu giao nhà và có cư dân về ở.

Đây chỉ là một trong những hệ quả của phong trào làm dự án đón đầu quy hoạch. Bởi theo tìm hiểu của PV, tính từ thời điểm quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện Hà Nội có tới ngót 300 dự án phải điều chỉnh và hàng trăm dự án chậm triển khai.

Điều chỉnh quy hoạch là bình thường?

Trao đổi với PV báo DĐDN, ông Vũ Xuân Thiện – Nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản Bộ Xây dựng, người liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản thời điểm đó cho rằng, việc các chủ đầu tư xin dự án, đón đầu quy hoạch, xét ở một góc độ nào đó là sự nhạy bén trong đầu tư.

“Tuy nhiên, đấy chỉ mới là quy hoạch tổng thể bởi sau khi Quy hoạch chung được phê duyệt, vẫn còn rất nhiều vấn đề phải triển khai tiếp chẳng hạn như lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và chỉ khi thực hiện cụ thể quy hoạch vào thực tế thì mới có tác động tích cực vào thị trường bất động sản”.

Còn theo chuyên gia Đặng Hùng Võ, việc quy hoạch xây dựng được điều chỉnh, thay đổi không có gì lạ, mục đích để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của từng tỉnh, từng vùng và cả đất nước theo từng giai đoạn.

“Điều này đã được quy định rất rõ trong Luật Xây dựng năm 2003 và Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, cụ thể đã có cả chương IV quy định về rà soát quy hoạch đô thị; về điều kiện điều chỉnh quy hoạch đô thị, nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch đô thị, các loại điều chỉnh quy hoạch đô thị, về trình tự điều chỉnh tổng thể quy hoạch đô thị, trình tự điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, điều chỉnh với một lô đất trong khu vực quy hoạch. Như vậy pháp luật đã có những quy định rất đầy đủ về công tác điều chỉnh quy hoạch” – ông Võ phân tích.