Theo ghi nhận của PV, khoảng hơn 1 tháng nay tình trạng "sốt đất" ở các quận/huyện vùng ven diễn ra rất đáng lo ngại. Anh Nguyễn Văn C, ngụ xã Phạm Văn Hai, Bình Chánh, cho biết, trước Tết anh tính mua một miếng đất ở gần nhà, chủ đất đòi 1 tỷ đồng nhưng chưa có giấy tờ nên anh chưa mua. Ra Tết, chủ đất đã nâng giá lên 1,5 tỷ đồng và vẫn chưa có giấy tờ.
Tương tự, anh Trần Văn Đ, ngụ xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh, cho hay, cách đây 6 tháng anh có ý định mua một lô đất trong khu tái định cư Vĩnh Lộc B, diện tích 4x16m. Khi đó, môi giới đòi giá 800 triệu đồng nhưng anh chê đắt không mua. Mới đây, anh hỏi lại mảnh đất đó đã lên giá 1,6 tỷ đồng.
Điều đáng nói là khu tái định cư này vẫn trong tình trạng dân cư thưa thớt, hàng trăm căn hộ chưa có người ở, nhưng đất sốt vẫn cứ sốt. Ở phía sau khu tái định cư này, có một số cò đất mua đất nguyên miếng và phân lô bán nền, giấy tờ tay với giá từ 500 triệu-1 tỷ đồng, lại "đắt như tôm tươi".
Theo bà Nguyễn Thị X, một môi giới nhà đất ở xã Phạm Văn Hai, từ sau Tết đến nay ngày nào cũng có người gọi bà đi chỉ đất. Ngày nào bà cũng đi từ sáng tới tối mịt mới về. Bà X cho biết, có một mảnh đất ở Vĩnh Lộc, chỉ có giấy tờ tay nhưng trong 1 ngày sang tên đổi chủ tới 2 lần. Một người mua ban sáng, đến chiều thấy được giá đã sang tay để kiếm lời cả trăm triệu đồng.Hay một lô đất ở xã Phạm Văn Hai trước Tết có giá 3,8 tỷ đồng, nhưng ra Tết chủ đất đã nâng giá lên 10 tỷ đồng và có người đã trả đến 9,5 tỷ đồng nhưng chủ đất vẫn chưa bán.
Chị Tô Thị N, ngụ đường Quách Điêu, xã Vĩnh Lộc A, cho biết khu nhà chị ở mỗi ngày đều có từng đoàn người đi mua nhà đất. Ngôi nhà chị đang ở cách đây không lâu chỉ có giá chừng 400 triệu đồng, nhưng nay đã được các tay môi giới “định giá” khoảng 1,1 tỷ đồng. Nhà đất ở khu này hầu hết đều chủ yếu mua bán giấy tay, pháp lý không rõ ràng. Cũng chính vì mua bán giấy tay, nên những kẻ “lướt sóng đất” mới có thể mua và sang tay kiếm lời nhanh chóng.
Một khu vực khác cũng ghi nhận tình trạng "sốt đất" là xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Anh Nguyễn Như H. kể: "Ngôi nhà đối diện nhà tôi mới bán được 1 tuần với giá 1,6 tỷ đồng, nhưng nay đã có người đòi mua lại với giá 1,8 tỷ nhưng chủ nhà chưa chịu bán".
Đáng nói, căn nhà này cũng chỉ có giấy tờ tay, và nguyên khu vực đó nhà đất hầu hết đều chưa có giấy tờ hợp lệ. Vừa qua, anh H. cũng vừa mua 1 mảnh đất nằm trên đường Phạm Hùng giá 1,3 tỷ đồng, chưa đầy 1 tuần sau đã có người trả 1,6 tỷ đồng nhưng anh chưa bán. Mảnh đất này cũng chưa có giấy tờ hợp lệ và chưa được phép xây dựng.
Tương tự, giá đất tại một số xã thuộc huyện Hóc Môn cũng tăng khoảng 30% so với cách đây vài tháng. Anh Nam, giám đốc một doanh nghiệp đầu tư BĐS chuyên phân lô tiết lộ, ngoài lý do tin đồn thành lập quận mới còn có một số nguyên nhân khác khiến giá đất ngoại thành tăng cao là việc TP “siết” việc cho phép các dự án phân lô nên khan hiếm nguồn cung. Ngoài ra, Luật Đất đai 2013 cho phép một số trường hợp mua bán giấy tay trước 1/1/2008 được hợp thức hóa cũng khiến giá đất tăng cao.
Trước tin đồn huyện lên quận, người dân huyện Hóc Môn bắt đầu toan tính
những mảnh ruộng của mình sẽ được phân lô đất nền để bán
Sở Nội vụ Tp.HCM cho biết, việc rà soát thực trạng kinh tế - xã hội, hạ tầng và các tiêu chí của huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè để quy hoạch thành quận đã cơ bản hoàn thành. Kết quả sơ bộ cho thấy chỉ còn thiếu một số tiêu chí để đạt điều kiện thành lập quận theo tiêu chuẩn Trung ương quy định.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở đang rà soát tất cả các huyện trước khi báo cáo chính thức bằng văn bản với UBND TP vào tháng 3 này. Hiện tại, chưa có số liệu chính thức, song có thể nói về cơ bản đã đủ các tiêu chí. Riêng Nhà Bè số dân có thiếu chút ít so với quy định.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho hay, địa phương có mô hình quản lý nông thôn nhưng đang phải áp dụng với thực tế thành thị, quản lý địa bàn với đầy đủ tính chất đô thị tập trung, cao cấp. Riêng dân số 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B của huyện đã bằng nửa số dân của tỉnh Bắc Kạn. Năm 2013, huyện từng lập đề án xin được lên thị xã vì tình trạng tăng dân số cũng như đô thị hóa quá nhanh.
Ông Hồng cho biết, khi lên quận chắc chắn người dân được hưởng lợi nhiều hơn, như giá đất tăng, hạ tầng được đầu tư nhiều hơn. Song, huyện mới chỉ bắt đầu làm đề án để trình TP xem xét. Nhanh lắm thì cuối nhiệm kỳ này (năm 2020) đề án mới hoàn chỉnh.
Trong khi đó, huyện Hóc Môn hiện có 15 xã và 1 thị trấn, tốc độ tăng dân số khá nhanh với lượng nhân khẩu gần 500.000 người. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, nên năm 1997, các xã An Phú Đông, Tân Thới Hiệp, Đông Hưng Thuận, Tân Thới Nhất, Thạnh Lộc và một phần 2 xã Trung Mỹ Tây, Tân Chánh Hiệp của huyện Hóc Môn được tách ra để thành lập quận 12.
Huyện Hóc Môn đang là địa bàn nóng về trật tự xây dựng, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường. Ngoài những yếu tố chủ quan, áp lực tăng dân số cơ học được xác định là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác quản lý.
Trước đó, tại buổi đi thực tế tại các xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B của huyện Bình Chánh (2 xã dân số cao nhất Tp.HCM), Bí thư Thành ủy Tp.HCM Đinh La Thăng đã yêu cầu UBND TP chỉ đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc rà soát 3 huyện theo hướng quy hoạch thành các quận. Bí thư Thăng nhấn mạnh: "Việc này không phải để chạy theo cái gì, mà để quản lý tốt hơn, đúng hơn, phục vụ người dân được nhiều hơn. Nếu thực sự đã đủ tiêu chí quận, chúng ta cần đề xuất lên các cơ quan có thẩm quyền".