Tài chính Chứng khoán

Trực tiếp: Thẩm vấn hàng loạt bảo vệ được "dựng" lên làm Giám đốc

05/01/2017

08:58 ngày 05/01/2017

Hồ sơ vay của Công ty Thanh Quang giống với hai công ty trước đó, bị cáo Nguyễn Tiến Hùng – cựu cán bộ tín dụng VNCB Chi nhánh Sài Gòn trình bày.

08:55 ngày 05/01/2017

Trước vành móng ngựa, bị cáo Trần Thanh Tùng – GĐ Công ty Thanh Quang, cho biết trước khi làm giám đốc là bảo vệ của Tập đoàn Thiên Thanh. Bị cáo làm giám đốc từ tháng 6/2012. Công ty chỉ có Tùng là nhân sự duy nhất và không hoạt động kinh doanh. Việc ký hợp đồng với khoản tiền bao nhiêu, Tùng không biết. Các thủ tục vay đều do Tập đoàn Thiên Thanh làm.

Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, được hưởng án treo. Trần Thanh Tùng bị tòa sơ thẩm phạt 3 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay.

08:54 ngày 05/01/2017

Liên quan Công ty Phước Đại, bị cáo Nguyễn Tiến Hùng đã lập hồ sơ cho vay 450 tỷ đồng. Việc thẩm định hồ sơ, phương án cho vay… tương tự như Công ty Cường Tín.

08:53 ngày 05/01/2017

Bị cáo Cao Phước Nhàn – GĐ Công ty Phước Đại, cho biết được Tập đoàn Thiên Thanh nhờ làm giám đốc. Và người nhờ đứng làm giám đốc là bảo vệ Tập đoàn Thiên Thanh.

Tháng 6/2012, Nhàn làm giám đốc. Công ty nhân sự duy nhất là giám đốc Cao Phước Nhàn. Công ty không hoạt động, không kinh doanh. Việc ký tên và hồ sơ vay tiền là do Tập đoàn Thiên Thanh gọi giám đốc lên ký tên. Nhàn theo kế toán của Tập đoàn Thiên Thanh lên VNCB ký tên vào hồ sơ vay.

Thừa nhận hành vi phạm tội, GĐ Công ty Phước Đại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo không hiểu biết pháp luật, xin tòa phúc thẩm giảm nhẹ.

Cao Phước Nhàn bị phạt 4 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay…

08:52 ngày 05/01/2017

Bị cáo Nguyễn Tiến Hùng – cựu cán bộ tín dụng VNCB Chi nhánh Sài Gòn, liên quan đến việc thẩm định hồ sơ, phương án kinh doanh và cho Công ty Cường Tín. Bị cáo cho biết, việc thẩm định dựa trên hồ sơ. Nhận hành vi, bị cáo cho biết mình thời điểm đó nghiệp vụ kém.

Hùng bị tòa cấp sơ thẩm phạt 5 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay…

08:42 ngày 05/01/2017

Mở đầu phiên tòa, chủ tọa yêu cầu bị cáo Nguyễn Văn Cường – GĐ Công ty Cường Tín lên trước vành móng ngựa.

Trình bày kháng cáo, bị cáo xin giảm nhẹ để được hưởng án treo. Về tình tiết xin giảm nhẹ, bị cáo cho biết, hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Trước khi khởi tố, Cường là làm công việc phụ hồ. Bị cáo cho hay, ông ta chưa bao giờ ngồi trên “ghế” GĐ Công ty Cường Tín. Việc ký các hợp đồng liên quan đến công ty thì người của Tập đoàn Thiên Thanh gọi thì bị cáo ký.

Về lý do được làm giám đốc, do làm phụ hồ, sức khỏe kém năm 2011 được người giới thiệu một công việc ổn định là làm “giám đốc”.

Việc ký vào các giấy tờ liên quan tại Công ty Cường Tín, bị cáo cho biết khi cơ quan điều tra phân tích thì mới biết là sai.

Trước đó Nguyễn Văn Cường bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay.

08:32 ngày 05/01/2017

Bị cáo Phạm Công Danh

08:31 ngày 05/01/2017

Đối với bất động sản được cầm cố làm tài sản đảm bảo là sân vận động Chi Lăng và bất động sản tại 209 Trường Chinh được định giá theo Công ty cổ phần thông tin và thẩm định giá miền Nam khoảng 2.600 tỷ đồng. Việc cho vay vượt quá giá trị tài sản đảm bảo cho khoản vay.

Trong số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng, bản án sơ thẩm cho biết, đã sử dụng để trả nợ cho Ngân hàng BIDV số tiền 2.600 tỷ đồng. Trước đó, Tập đoàn Thiên Thanh đã vay và được BIDV giải ngân 4.700 tỷ đồng nhằm phục vụ cho việc tăng vốn điều lệ cho VNCB.

08:31 ngày 05/01/2017

Các công ty do cựu chủ tịch ngân hàng lập ra đều không có báo cáo tài chính đã kiểm toán và báo cáo nộp cho cơ quan thuế, không có tờ khai thuế giá trị gia tăng. Thực tế xác minh thì các công ty này không phát sinh hoạt động kinh doanh.

08:31 ngày 05/01/2017

Đối với hành vi này, tòa án cấp sơ thẩm khẳng định, số tiền hàng ngàn tỉ đồng được VNCB giải ngân rồi chuyển cho Tập đoàn Thiên Thanh và Phạm Công Danh sử dụng.

Các công ty đứng tên pháp nhân vay tiền NH do Phạm Công Danh lập ra đều thuộc Tập đoàn Thiên Thanh. Như vậy thực chất VNCB đã gián tiếp cho Phạm Công Danh vay. Trong khi đó cựu Chủ tịch ngân hàng không phải là đối tượng được VNCB cấp tín dụng.

08:12 ngày 05/01/2017

Phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) ngày hôm nay bước vào phần xét hỏi liên quan đến tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Liên quan đến tội danh này, là việc Phạm Công Danh – cựu Chủ tịch HĐQT VNCB – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh và các đồng phạm rút 5.000 tỷ đồng thông qua việc lập khống hồ sơ kinh doanh vay tiền của 14 công ty.

Trong 14 pháp nhân liên quan thì có 12 công ty được Phạm Công Danh nhờ thuộc cấp tại Tập đoàn Thiên Thanh đứng tên giám đốc. Do trừ tài sản đảm bảo là Sân vận động Chi Lăng và một số bất động sản liên quan tại Đà Nẵng nên số tiền thiệt hại của hành vi này hơn 2.000 tỷ đồng.

Theo nội dung vụ án, Ngân hàng VNCB được Ngân hàng nhà nước chấp thuận chủ trương Phương án tái cơ cấu. Phạm Công Danh nắm quyền kiểm soát, chi phối VNCB và đã chỉ đạo HĐQT.

Dưới sự chèo lái của Phạm Công Danh, ông ta đã chỉ đạo thuộc cấp tại VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện lập các hồ sơ đề án khống nâng cấp hệ thống Corebanking, hồ sơ thuê hai mặt bằng tại Sư Vạn Hạnh và Tô Hiến Thành, ủy thác đầu tư cổ phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh qua Quỹ Lộc Việt… để rút tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ, trả lãi ngoài và chi tiêu cá nhân. Từ sự điều hành của Phạm Công Danh, VNCB đã thiệt hại trên 9.000 tỷ đồng.

Phạm Công Danh bị truy tố hai tội danh: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tại phiên sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên phạt Phạm Công Danh 30 năm tù giam. Các thuộc cấp của ông ta nhận mức án từ án treo đến 22 năm tù giam.