Việc TPP kết thúc quá trình đàm phán cuối năm 2015 trở thành tín hiệu đáng mừng cho ngành công nghiệp Việt Nam. Nhiều người kỳ vọng sẽ có sự dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp thành viên TPP như Nhật Bản, Mỹ,… cũng như các nước ngoài TPP sẽ đổ vào Việt Nam để hưởng những chính sách ưu đãi khi xuất khẩu sang thị trường các thành viên TPP khác. Từ đó, phân khúc BĐS công nghiệp cũng được kỳ vọng đổi đời theo.
Thế nhưng, bước vào năm 2017, giấc mơ TPP đã trở nên mong manh khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi hiệp định này. Các nhà đầu tư bắt đầu lo lắng phân khúc BĐS công nghiệp sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là với những nhà đầu tư đã tiến hành ôm quỹ đất để đón đầu TPP.
Ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho hay, mối lo này là có cơ sở, song không quá đáng ngại, vì Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn trên toàn cầu, dù có TPP hay không.
Theo số liệu của Cushman & Wakefield Việt Nam mới đây, chỉ trong quý I/2017, lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cam kết vào Việt Nam đã đạt mức cao 7,7 tỷ USD. Trong đó, lượng vốn đổ vào lĩnh vực sản xuất lên đến 6,5 tỷ USD (chiếm 84,8%). Ngoài ra, chỉ số sản xuất PMI tháng 3 cũng đã tăng lên 54,6 - mức cao nhất kể từ tháng 5/2015. Chỉ số này cho thấy sự tăng tốc của hoạt động sản xuất, sự gia tăng sản lượng toàn ngành, sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp mới, cũng như sự tăng trưởng mạnh mẽ của chỉ số niềm tin của các nhà sản xuất.
Ông Alex Crane cho biết thêm, hiện Việt Nam hiện chỉ xếp sau Costa Rica về mức độ hấp dẫn của nền kinh tế đối với các nhà sản xuất. Tính đến hết quý I/2017, lượng hấp thụ của thị trường đối với phân khúc đất công nghiệp của Việt Nam là 4.700 ha, tăng 7% so với quý I/2016, bất chấp diễn biến bất ngờ của kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, dẫn đến việc Mỹ rút khỏi TPP.
BĐS công nghiệp được đánh giá tiếp tục phát triển bất chấp TPP bị dừng lại. Ảnh: Gia Huy
Theo ông Alex Crane, dù không có TPP, nền kinh tế Việt Nam cũng ít bị ảnh hưởng, vì khung của thỏa thuận này đã tác động trước đến chính sách của Việt Nam. Cụ thể, các yêu cầu nâng cao môi trường kinh doanh nhằm đáp ứng các yêu cầu của các hiệp định.
“Chúng tôi nhận thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục ưa chuộng Việt Nam trong suốt diễn biến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, từ các công ty Mỹ, cũng như các doanh nghiệp ở các nước khác. Thị trường vẫn tiếp tục ổn định bất chấp sự hỗn loạn ở một vài khu vực trên thế giới trong những tháng vừa qua”, ông Alex Crane cho biết.
Nhận định về phân khúc BĐS công nghiệp trong năm 2017, ông Alex Crane cho rằng, phân khúc này sẽ trở lại cuộc đua tăng trưởng, vì hiện Việt Nam có 4 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang trong quá trình đàm phán, gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); FTA với Israsel và FTA, EFTA; FTA giữa ASEAN với Hồng Kông.
Những hiệp định thương mại này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam, cùng với sự phát triển của lĩnh vực sản xuất nói chung và BĐS công nghiệp nói riêng.
Cùng với những dự báo lạc quan, Cushman & Wakefield cũng cho rằng, vẫn còn những lo ngại và thử thách đối với các công ty đa quốc gia đang đầu tư vào Việt Nam, chủ yếu là do các thủ tục hành chính rườm rà, gây mất thời gian trong việc thực hiện dự án. Vì vậy, các địa phương có các khu công nghiệp vẫn cần thực hiện những cải cách để thu hút nhiều đầu tư hơn. Trong đó, cơ sở hạ tầng là yếu tố ưu tiên hàng đầu.
“Thậm chí, trong các khu công nghiệp cũng cần những thay đổi, cải thiện để thu hút thêm đầu tư, ví dụ như nguồn điện, nguồn nước cần phải chất lượng và ổn định, cải thiện hệ thống xả thải của khu công nghiệp… Các yếu tố này tuy thường chỉ xếp thứ hai hoặc ba trong thứ tự ưu tiên của các nhà đầu tư, song chúng cũng ảnh hưởng nhất định đến quyết định đầu tư của các công ty đa quốc gia”, ông Alex Crane khuyến nghị.
Ông Alex Crane cho biết thêm, hiện các chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực công nghiệp của Cushman & Wakefiled đang bận rộn hơn bao giờ hết và dự kiến sẽ có nhiều hoạt động hơn từ những doanh nghiệp mới tham gia thị trường, cũng như từ việc mở rộng hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp hiện tại trong nước.