Tp.HCM lọt top 20 thành phố “tăng trưởng nóng” về mặt bằng bán lẻ. Ảnh minh họa
Theo nghiên cứu của CBRE, năm 2016 toàn thế giới đã có khoảng 12,5 triệu m2 diện tích sàn tại các trung tâm thương mại được hoàn thành, tăng 11,4% so với năm 2015.
Trong đó, Trung Quốc dẫn đầu 20 thị trường năng động nhất toàn cầu với 10 thành phố nằm trong danh sách này. Melbourne đứng vị trí thứ 10 và là thành phố duy nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc lọt vào top 10. Tp.HCM cũng lọt top 20 thị trường mặt bằng bán lẻ năng động nhất toàn cầu và xếp ở vị trí thứ 17.
Top 20 thị trường mặt bằng bán lẻ năng động nhất toàn cầu năm 2016
Trước đó, báo cáo tiêu điểm quý IV/2016 và triển vọng thị trường bất động sản Tp.HCM năm 2017 của CBRE cho hay, năm 2016, Tp.HCM chào đón 5 trung tâm mua sắm mới, đóng góp thêm vào thị trường hơn 192.000m2 diện tích thực thuê, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Những dự án mới này đã mang đến thị trường nội địa nhiều thương hiệu quốc tế ở nhiều phân khúc khác nhau, từ thời trang cao cấp cho đến các nhà hàng, quán cà phê, siêu thị.
Theo nghiên cứu của CBRE, có 17 nhãn hiệu quốc tế nổi tiếng mới vào thị trường Tp.HCM trong năm 2016, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2015.
Dự kiến trong 3 năm tới, Tp.HCM sẽ tăng thêm khoảng 500.000m2 diện tích bán lẻ thực thuê, 55% trong số đó đang được xây dựng, trong khi phần còn lại vẫn đang trong giai đoạn lên kế hoạch. Trung tâm mua sắm sẽ chiếm 75% nguồn cung trong tương lai và 20% còn lại sẽ là các khối bán lẻ.
CBRE cho biết, trong năm ngoái, các trung tâm thương mại trên thế giới đã được các chủ đầu tư hoàn thiện nhiều hơn năm 2015, nhưng với sự phát triển dường như chậm hơn tại nhiều nước trên thế giới do các nhà bán lẻ cố gắng tìm ra sự cân bằng giữa hoạt động của cửa hàng truyền thống và thương mại điện tử.
Ông Anthony Buono, Chủ tịch Ủy ban điều hành Thị trường bán lẻ toàn cầu của CBRE cho hay, trong thời đại đa kênh, các nhà bán lẻ tập trung vào việc đảm bảo sự kết hợp tối ưu giữa các cửa hàng truyền thống và hoạt động thương mại điện tử, vì vậy họ đang sử dụng các phương pháp phân tích công phu và kiến thức thị trường để lựa chọn các website bán hàng tốt nhất chứ không phải nhiều website bán hàng nhất.
Trong khi đó, hoạt động xây dựng tại nhiều thị trường đã chậm lại trong bối cảnh các nhà đầu tư và khách thuê có cách tiếp cận cẩn trọng hơn. Theo báo cáo của CBRE, nguồn cung trung tâm thương mại toàn cầu đang trong quá trình xây dựng đã giảm 22% so với năm trước xuống còn 33,5 triệu m2 vào cuối năm ngoái.
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhất là Trung Quốc vẫn là “điểm nóng” toàn cầu với tổng cộng 26,6 triệu m2 mặt sàn bán lẻ đang xây dựng, chiếm 79% tổng nguồn cung toàn cầu. Trong đó, diện tích mặt sàn bán lẻ tại Trung Quốc là 19,7 triệu m2.
Trong năm 2016, hơn 90% các thành phố tại châu Á – Thái Bình Dương có các dự án bán lẻ quy mô lớn đang được xây dựng, lớn hơn so với 56% các thành phố tại châu Mỹ và 14% các thành phố tại khu vực châu Âu, châu Phi và Trung Đông.
Ông Joel Stephen, Giám đốc cấp cao bộ phận Tư vấn và giao dịch thị trường bán lẻ, CBRE châu Á cho rằng, thị trường bán lẻ Trung Quốc đang có những dấu hiệu phục hồi. Hoạt động cho thuê vẫn đang ổn định dù có những quan ngại về việc dư cung. Các thị trường bán lẻ đang phát triển mạnh trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với nhu cầu lớn về xây dựng tại các thị trường như Melbourne, Brisbane và Tp.HCM.
Mật độ không gian bán lẻ đang được xây dựng lớn nhất của Trung Quốc nằm tại TP. Thượng Hải và Thâm Quyến, chiếm khoảng 40% tổng nguồn cung tại quốc gia này. Trong khi đó, việc xây dựng mặt sàn bán lẻ ở Ấn Độ vẫn còn khá hạn chế, đặc biệt là tại các thành phố cấp 1 như New Delhi và Mumbai. Còn các thị trường bán lẻ lớn ở châu Á như Tokyo, Hồng Kông và Seoul đều được dự đoán sẽ phát triển các tổ hợp tại các quận trung tâm thành phố.