Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là tuyến kênh dài nhất tại Tp.HCM hiện nay với chiều dài hơn 31km. Tuyến chạy qua địa bàn 8 quận, huyện (quận 8, quận 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, huyện Bình Chánh). Do đó, Tp.HCM cần một số tiền khổng lồ để tuyến kênh này có thể hồi sinh như tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
UBND Tp.HCM vừa gửi công văn đến Ngân hàng Thế giới (WB) và cho biết hơn 400 triệu USD mà thành phố sẽ vay của WB chỉ đủ thực hiện 1/4 dự án cải tạo kênh Tham Lương.
Theo UBND thành phố, thành phố phải thực hiện thành 2 giai đoạn để giải quyết tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường và cải tạo giao thông cho tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường và hỗ trợ tái định cư cho hơn 3.210 trường hợp bị ảnh hưởng trong giai đoạn 1 của dự án sử dụng nguồn ngân sách của thành phố.
Giai đoạn 2 cần một số tiền đầu tư rất lớn do có nhiều hạng mục quan trọng hơn. Trong đó, phải kể đến hạng mục các nhà máy thu gom và xử lý nguồn nước ô nhiễm trên lưu vực kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên như nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn với mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng; nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với mức đầu tư 1.800 tỷ đồng; nhà máy xử lý nước thải Bình Tân đang kêu gọi đầu tư (chưa rõ kinh phí). Ngoài ra, hạng mục đầu tư xây dựng 2 trục đường ven kênh cùng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng cần mức kinh phí gần 10.000 tỷ đồng.
Tp.HCM cần huy động hàng chục ngàn tỷ đồng
để tuyến kênh Tham Lương hồi sinh. Ảnh: KB
UBND thành phố cho biết, số tiền 400 triệu USD vay của WB dùng để thực hiện các hạng mục như xây dựng 2 cống kiểm soát triều ở cửa sông Vàm Thuật và rạch Nước Lên, xây dựng các tuyến cống bao thu gom nước thải dẫn về các nhà máy xử lý và cải tạo 5 tuyến kênh nhánh ven kênh Tham Lương thuộc quận Tân Bình và Gò Vấp.
Toàn cảnh dự án cải tạo kênh Tham Lương. Infografic: Hồ Trang
Chủ đầu tư dự án (Trung tâm chống ngập Tp.HCM) cho biết, giai đoạn 2 dự án cải tạo kênh Tham Lương cần sử dụng nhiều hình thức khác nhau để huy động thêm nhiều nguồn vốn. Riêng dự án làm đường và các công trình hạ tầng kỹ thuật ven kênh sẽ áp dụng hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và thanh toán bằng quỹ đất. Theo một lãnh đạo Sở TN&MT, phương án đổi 9 khu đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án làm đường ven kênh Tham Lương do sở này đề xuất đã được Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong chấp thuận.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều khu đất trong 9 khu đất trên còn có hộ dân sinh sống. Do đó, về công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch giao cho nhà đầu tư làm đường ven kênh Tham Lương, UBND thành phố giao Trung tâm Phát triển quỹ đất của thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện.
Đơn vị lập đề xuất thực hiện dự án làm đường ven kênh Tham Lương (liên danh Công ty CP Đầu tư Pacific và Công ty CP Phương Nam) cho biết, nếu đúng tiến độ, công trình này sẽ hoàn thành vào năm 2019. Dự kiến, 2 trục đường ven kênh đều có 4 làn xe, 2 làn dành cho xe thô sơ rộng 5m, 2 làn dành cho xe cơ giới rộng 7m, lề đường rộng 8m.