Khu đô thị Thành phố mới Bình Dương dù đã được hoàn thiện
từ lâu nhưng vẫn vắng bóng người
Cùng với sự phục hồi chung của thị trường bất động sản (BĐS) cả nước, thị trường địa ốc phía Nam trong 3 năm qua cũng chứng kiến sự sôi động ở tất cả các phân khúc. Với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, sức nóng từ thị trường BĐS Tp.HCM đã nhanh chóng lan ra các tỉnh vùng ven như Đồng Nai, Long An.
Có vị trí sát Tp.HCM, cở sở hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, kết nối dễ dàng với Tp.HCM và nhiều khu công nghiệp, thị trường BĐS Bình Dương một thời từng là điểm nóng của thị trường địa ốc phía Nam, đặc biệt là khi đại dự án Thành phố mới Bình Dương được triển khai.
Nhưng sau sự sôi sục với đại dự án Thành phố mới Bình Dương, thị trường BĐS nơi đây đã nguội dần và bước vào kỳ "ngủ đông" kéo dài. Thời gian qua, có một vài dự án được triển khai tại các huyện tiếp giáp Tp.HCM, như Dĩ An với dự án Him Lam Phú Đông, hoặc vài dự án nằm trên trục đường Quốc lộ 13 nối vào Tp.HCM, nhận được sự đón nhận khá tốt của thị trường, còn lại nhìn chung, thị trường BĐS Bình Dương vẫn chưa "tỉnh giấc".
Đặc biệt, tại Thành phố mới Bình Dương, nơi từng được coi là Singapore của Bình Dương vẫn đang trong cảnh cỏ mọc thay nhà ở tại các khu đất được quy hoạch làm biệt thự, nhà phố. Các khu nhà phố đã xây dựng nhưng không có người ở nên xuống cấp nghiêm trọng, trong khi giao dịch gần như "đóng băng". Theo ghi nhận của PV, số người dân chuyển về đây sinh sống chỉ dưới 50 hộ.
Trong khi thị trường BĐS các tỉnh vùng ven như Đồng Nai, Long An sôi sục, thị trường Bình Dương vẫn nguội lạnh và phát triển một cách tự phát đã khiến người trong cuộc sốt ruột. Vì vậy, cuối năm 2016, Hiệp hội Bất động sản Bình Dương đã được thành lập.
Ngày 18/3 vừa qua, Hiệp hội Bất động sản Bình Dương đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2017-2022) để bàn và đưa ra phương hướng vực dậy thị trường BĐS Bình Dương. Tại đại hội, ông Trần Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã yêu cầu Hiệp hội cần phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ để hoàn thành tốt trong nhiệm kỳ thứ nhất. Mạnh dạn kiến nghị những bất cập, khó khăn trong quá trình hoạt động liên quan đến lĩnh vực BĐS trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, ông Liên còn kiến nghị Hiệp hội cần tiếp nhận, tập hợp gấp ý kiến của hội viên và làm người đại diện cho hội viên để kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS.
Theo đại diện một thành viên Hiệp hội Bất động sản Bình Dương, đây được cho là một động thái tích cực cho thị trường BĐS tỉnh Bình Dương, bởi trước đó, việc phát triển và quản lý thị trường được thả nổi, thiếu định hướng giúp thị trường đi lên.
Theo khảo sát thực địa của PV tại một số khu vực trước đây là điểm nóng của thị trường BĐS Tp.HCM, diễn biến thị trường rất ảm đạm, nhất là tại trung tâm hành chính Thành phố mới Bình Dương, nơi có nhiều dự án BĐS nhất địa phương này.
Hầu hết các dự án tại đây được phát triển ở giai đoạn 2007-2009, thời kỳ thị trường BĐS sôi động nhất. Sau đó, khi "cơn sốt" với Thành phố mới nguội đi, những dự án này cũng ngưng những giao dịch và triển khai. Hiện nay, thị trường khu vực này được ghi nhận chỉ xuất hiện một vài giao dịch nhỏ trên thị trường thứ cấp, những giao dịch chính và sôi động chỉ diễn ra ở các dự án phân lô bán nền nhỏ lẻ, nằm gần các khu công nghiệp tại Dĩ An, Thuận An (những huyện giáp ranh Tp.HCM) do các chủ đầu tư thứ cấp thực hiện với giá chỉ khoảng 300 triệu đồng/nền 60m2.
Thành phố mới Bình Dương vẫn vắng bóng người
Đánh giá về thị trường Bình Dương, ông Nguyễn Huy Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng bất động sản Bản Việt (Banvietland) cho biết, thị trường Bình Dương sẽ hồi sinh nhưng chưa phải thời điểm này.
Theo ông Vũ, trước đây, Bình Dương có những quy hoạch cụ thể và rất lớn cho thị trường BĐS phát triển, quy hoạch này chủ yếu dành cho nhà phố, đất nền. Nhưng do không được quản lý tốt nên thị trường bị các nhà đầu cơ thao túng, đẩy giá lên cao. Nhiều dự án đã bán hết sản phẩm, cơ sở hạ tầng và giao thông kết nối khá tốt, nhưng người mua không về ở do chủ yếu là nhà đầu tư. Nhiều người đang bị mắc kẹt tại các dự án này khi bán ra thì lỗ nặng, mà cũng khó tìm người mua, trong khi xây dựng nhà ở thì không đủ tài chính.
Ông Vũ cho rằng, muốn phát triển lại thị trường, Bình Dương cần phát triển những khu đô thị nhỏ, sản phẩm chủ yếu vẫn là đất nền và giá phải rẻ, khách hàng chủ yếu là công nhân, người lao động thu nhập thấp và hướng vào nhu cầu ở thực, mỗi nền dao động từ 500 - 700 triệu đồng. Sau đó cân bằng lại thị trường mới tiếp tục phát triển những dự án hạng sang.
Cũng theo ông Vũ, thị trường BĐS Bình Dương vẫn còn khá nhiều điểm sáng, điển hình như các huyện cận Tp.HCM vẫn có những dự án được phát triển và mở bán với giá từ 9 - 14 triệu đồng/m2 và có thanh khoản cao.
Một lãnh đạo của Hiệp hội Bất động sản tỉnh Bình Dương thì đánh giá, “cuộc chơi” trên thị trường BĐS Bình Dương hiện vẫn chưa công bằng khi các doanh nghiệp lớn nhận được nhiều ưu tiên, trong khi các doanh nghiệp nhỏ lại không được như vậy. Đây là điều vô lý và là một phần lý do khiến thị trường không thể phát triển.