Theo ông Hà, thị trường bất động sản (BĐS) 6 tháng đầu năm 2017 tiếp tục tăng trưởng ổn định, thể hiện qua các yếu tố: Số lượng giao dịch, giá cả, tính thanh khoản tốt lên, lượng hàng tồn kho giảm, cơ cấu hàng hóa tiếp tục được điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu đa dạng của thị trường.
Cụ thể về giao dịch mua bán, cho thuê BĐS, đặc biệt là giao dịch nhà ở tiếp tục tăng trưởng ổn định, không có hiện tượng tăng hay giảm đột biến. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 6 tháng đầu năm 2017, lượng giao dịch nhà ở trung bình hàng tháng vào khoảng 1.300 - 1.500 giao dịch ở mỗi thành phố, trong đó Hà Nội và Tp.HCM là 2 thị trường lớn nhất cả nước. Đây là thống kê những giao dịch lần đầu tại các dự án mới mở bán, không kể các giao dịch mua đi bán lại hoặc các giao dịch nhà ở cũ. Lượng giao dịch tăng trung bình khoảng 5% hàng tháng một cách ổn định.
Thị trường BĐS 6 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng ổn định
Ông Hà nhấn mạnh, mặt bằng giá cả BĐS tương đối ổn định, sự biến động giá tăng trong năm khoảng 2% - 7%. Một số dự án đặc thù có sự tăng giá đến 12% nhưng không phải là trào lưu phổ biến. Thậm chí, có sự tăng nóng đất nền ở một số vùng ven Tp.HCM, nhưng sau khi được điều chỉnh đã ổn định trở lại.
Chủ tịch hội môi giới BĐS cho biết, cơ cấu hàng hóa BĐS được điều chỉnh hợp lý, đa phần các nhà chung cư, kể cả các nhà chung cư cao cấp đều được thiết kế có quy mô căn hộ nhỏ và vừa, thậm chí căn hộ chung cư cao cấp chỉ có diện tích 50 - 60m2, do vậy tổng giá bán một căn hộ không quá lớn, phù hợp với khả năng chi trả của người mua.
Hiện nay, hàng hóa BĐS phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, cơ sở vật chất của xã hội. Đa số các dự án phát triển BĐS có mục đích sử dụng hỗn hợp, có nhà ở, văn phòng, thương mại, tạo thuận lợi cho người dân trong sử dụng và sinh hoạt, cũng như góp phần tạo bộ mặt đô thị ngày một khang trang, đẹp hơn. Những công trình văn phòng, thương mại, hạ tầng xã hội và dịch vụ đô thị được phát triển ngày một quy mô, hiện đại tại các đô thị, vừa góp phần tạo lập cơ sở vật chất cho xã hội, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về dịch vụ đô thị trên cả nước.
Đối với thị trường BĐS nghỉ dưỡng, ông Hà cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, thị trường này đã có bước phát triển đột phá, đặc biệt là mô hình timeshare. Có thể nói năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 là thời điểm của BĐS nghỉ dưỡng. Nhất là tại khu vực miền Trung và miền Nam với hàng loạt dự án được triển khai như: Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Nam,... Ngoài ra, thị trường BĐS nghỉ dưỡng miền Bắc với sự xuất hiện của dự án Sapa Hade Jill (Lào Cai) cũng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Về triển vọng thị trường BĐS trong thời gian tới, chuyên gia này nhận định, về trung và dài hạn thị trường BĐS Việt Nam có nhiều cơ hội mạnh mẽ. Việt Nam đang trong giai đoạn công nghiệp hóa kèm theo là tốc độ đô thị hóa tăng, dự kiến đến năm 2025 đạt 40%, do vậy, nhu cầu về nhà ở và các công trình dịch vụ đô thị sẽ tăng nhanh. Theo Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì hàng năm nước ta cần xây dựng mới khoảng 100 triệu m2 nhà ở để đáp ứng nhà ở của người dân, công nhân khu công nghiệp.
Ngoài ra, đời sống của đại bộ phận nhân dân đã được cải thiện đáng kể, thu nhập ngày càng tăng, Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước nghèo và gia nhập các nước có thu nhập trung bình trên thế giới, do vậy nhu cầu du lịch của người dân tăng nhanh. Theo thống kê năm 2016, cả nước đã đón 62 triệu lượt khách trong nước và hơn 10 triệu lượt khách quốc tế, kéo theo là nhu cầu về BĐS du lịch cũng tăng rất nhanh trong thời gian gần đây.