Thị trường

Thêm nhiều đại gia BĐS "muốn thâu tóm " chung cư cũ

31/03/2017

Đầu tuần qua, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư BĐS toàn cầu (GP-Invest), ông Nguyễn Quốc Hiệp đã hé lộ về kế hoạch tham gia một dự án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP. Hà Nội.

Dù chưa tiết lộ là dự án nào, nhưng ông Hiệp cho biết, GP-Invest đang tiến hành khảo sát, đo đạc hiện trạng, lập quy hoạch để được chấp thuận chủ trương đầu tư. Ông Hiệp đánh giá, dù không phải là câu chuyện mới nhưng cải tạo chung cư cũ lại là vấn đề mang tính thời sự khi nhiều năm trôi qua, các dự án cải tạo chung cư hầu như vẫn giậm chân tại chỗ hoặc có tiến độ rất chậm.

Cho tới gần đây, nhiều nút thắt đã được tháo gỡ khi cơ chế cải tạo chung cư cũ được thay đổi. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu hướng tới phân khúc này như một mảnh đất giàu tiềm năng.

Trước GP-Invest, một nhà đầu tư BĐS lớn khác cũng tham gia vào cải tạo chung cư cũ là Công ty CP Tập đoàn FLC. Ngày 29/10/2016, UBND TP. Hà Nội đã giao Tập đoàn FLC lập quy hoạch chi tiết 1/500 dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Kim Giang, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Hà Nội có rất nhiều khu chung cư cũ cần cải tạo, xây mới (Ảnh: Dũng Minh)

Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Đầu tư BĐS, có tới trên dưới 60 nhà đầu tư đã được giao nhiệm vụ điều tra xã hội học, trong đó có khoảng 20 nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết các khu chung cư cũ tại Hà Nội. Danh sách chi tiết chưa được hé lộ, nhưng theo thông tin, trong danh sách có cả Vinaconex, ông lớn BĐS một thời.

Cách đây không lâu, để nâng cao tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực này, tổng công ty này đã thành lập Công ty TNHH một thành viên Đầu tư BĐS có vốn từ 500-1.000 tỷ đồng. Từ kinh nghiệm đã thực hiện thành công một số dự án cải tạo chung cư cũ, Vinaconex đang tìm kiếm và xin làm chủ đầu tư các công trình cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố, phù hợp với chủ trương của Chính phủ theo định hướng khuyến khích thu hút nguồn lực từ xã hội hóa.

Tại TP.HCM, gần đây, danh sách 24 nhà đầu tư đăng ký “dòm ngó” thực hiện đầu tư cải tạo chung cư cũ đã lộ diện. Trong đó có một số cái tên như: Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc, Tập đoàn C.T Group, Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, Tập đoàn Novaland, Công ty CP Năng lượng Thiên An, Công ty CP Phát triển BĐS C30 Q10, Công ty Thuận Việt, Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Gia Bảo và liên danh Vinaconex - Hoàng Sơn-Quân An…

Các nhà đầu tư này chủ yếu nhắm đến các chung cư cũ tập trung tại khu vực trung tâm “đất vàng” như quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh. Trong khi đó, dù kề cận trung tâm nhưng quận 4, quận 5 hiện vẫn chưa có nhà đầu tư lớn nào ngó ngàng đến.

Còn tại Hải Phòng, Báo Đầu tư BĐS ghi nhận, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ tài chính Hoàng Huy đề nghị được cải tạo xây dựng lại các chung cư 3 tầng, tổng diện tích 43.200m2, gồm 28 nhà chung cư, với 1.200 hộ dân tại dự án Khu tập thể cũ U1, U2, U3, phường Đồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền.

Cũng tại Hải Phòng còn có 2 nhà đầu tư khác là Công ty CP Xây dựng và Phát triển đầu tư Hải Phòng xây dựng lại 12 nhà chung cư 2 tầng ở phường Đồng Quốc Bình (quận Ngô Quyền) và Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng đầu tư cải tạo chung cư U19 Lam Sơn, A48 và A49 Lán Bè cùng quận Lê Chân.

Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ông Phạm Sĩ Liêm cho biết, cải tạo chung cư cũ là việc cấp bách trong thời gian tới. Cả nước hiện còn gần 1.690 chung cư cũ, tập trung nhiều nhất ở Hà Nội và Tp.HCM. Trong đó, Hà Nội có khoảng 10 khu thấp từ 1-3 tầng, 1.155 nhà chung cư cao 4-6 tầng với hơn 980 chung cư được xây trước năm 1990 và chủ yếu nằm tại các quận nội thành cũ. Các chung cư này có tổng diện tích lên tới 1,7 triệu m2 và cần được cải tạo xây dựng lại.

Ông Liêm đánh giá: "Với sự chủ động tham gia của các nhà đầu tư, nhiều khả năng kế hoạch cải tạo chung cư cũ sẽ bớt húc đầu vào đá hơn trong thời gian tới".