Thị trường

Sự khác biệt trong đầu tư BĐS của người Hà Nội và Sài Gòn

23/02/2017

Thói quen đầu tư BĐS của người Hà Nội và Sài Gòn có nhiều khác biệt. Ảnh minh họa

Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế Tp.HCM đã khảo sát và nghiên cứu về sự khác biệt lớn trong thói quen đầu tư bất động sản (BĐS) của người Hà Nội và Sài Gòn trong nhiều năm qua. Chuyên gia này chỉ ra 5 điểm khác biệt lớn trong hành vi mua bất động sản của nhà đầu tư Hà Nội và Sài Gòn.

 

Hà Nội Tp.HCM

Chuộng BĐS cao cấp, hạng sang

3 năm trở lại đây, dự án có quy mô lớn hoặc sản phẩm hoành tráng, thuộc hàng hiếm là mục tiêu ưa thích của hầu hết nhà đầu tư Hà Nội. Các loại tài sản được họ xuống tiền gồm: căn hộ cao cấp hoặc hạng sang có vị trí trung tâm giá 5-7 tỷ đồng, biệt thự nghỉ dưỡng giá trị tính bằng đơn vị chục tỷ đồng, dự án của chủ đầu tư thương hiệu lớn, biệt thự số lượng hạn chế giá từ vài chục đến cả trăm tỷ đồng một căn...

Không mặn mà BĐS có giá quá đắt

Nhà đầu tư Sài Gòn có gu mua sắm BĐS rộng hơn. Họ tìm kiếm gần như mọi phân khúc: trung cấp, bình dân hoặc cao cấp và cả luxury (hạng sang). Nhưng điểm khác biệt lớn nằm ở chỗ họ chỉ xuống tiền cho món hàng có mức giá hợp lý. Đặc biệt, nhà đầu tư Sài Gòn cũng mặc cả (thương lượng giá) khá nhiều.

Chuẩn bị dòng vốn đầu tư lớn

Mặc dù GDP bình quân tại Hà Nội thấp hơn Sài Gòn, nhung các nhà đầu tư đến từ thủ đô thường dự phòng dòng tiền lớn hơn khi đầu tư BĐS. Họ có thể chuẩn bị được dòng vốn lên đến hàng chục tỷ đồng cho mục tiêu săn tìm tài sản. Trong 2 thập niên qua, những nhà đầu tư cá nhân đến từ phía Bắc, trong đó có Hà Nội luôn được các công ty BĐS trên cả nước săn đón để bán hàng nhờ đặc điểm có vốn mạnh dẫn đầu thị trường.

Có tâm lý liệu cơm gắp mắm

Phần lớn nhà đầu tư phía Nam không có thói quen mạo hiểm. Do có dòng vốn vừa và nhỏ nên xu hướng đầu tư vượt ngân sách thường chiếm tỷ lệ khá thấp. Họ không vung tay quá trán mà bảo toàn mục tiêu, chấp nhận lợi nhuận vừa phải nhưng ổn định.

Sẵn sàng vay tỷ lệ cao khi giá trị tài sản vượt ngân sách

Khi BĐS tiềm năng lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư Hà Nội, cho dù giá trị tài sản vượt ngân sách dự kiến 20-30% trở lên, họ vẫn không từ bỏ mục tiêu. Những nhà đầu tư phía Bắc, nhất là nhà đầu tư đến từ thủ đô thường không quá so đo, chần chừ khi đưa ra quyết định vay vốn để đầu tư BĐS. Ngưỡng chịu đựng khi dùng đòn bẩy tài chính của nhóm này luôn dẫn đầu thị trường.

Cân nhắc trước quyết định vay ngân hàng

Nhà đầu tư Sài Gòn thường cân nhắc rất lâu trước khi đưa ra quyết định vay tiền mua các tài sản BĐS khác. Họ cực kỳ thận trọng khi dùng đòn bẩy tài chính trong quá trình đầu tư. Vì nắm được tâm lý này, các doanh nghiệp BĐS tại Tp.HCM chấp nhận kéo dài tiến độ thanh toán để kích cầu thị trường

Thích tích lũy tài sản nhưng cũng sẵn sàng lướt sóng

Trong nhiều chu kỳ tăng trưởng của thị trường, hơn 60% nhà đầu tư Thủ đô có khả năng tậu nhà, đất, khách sạn, căn hộ chung cư, mua từng phần hoặc toàn phần cao ốc văn phòng... có giá trị rất cao với mục tiêu tích lũy tài sản. Song, họ cũng nhanh chóng bán đi khi có cơ hội chốt lời hoặc cắt lỗ và ít ưu tiên mục tiêu giữ tài sản để cho thuê.

Chuộng tích lũy tài sản đi kèm khai thác cho thuê

Hơn 80% nhà đầu tư địa ốc Sài Gòn ưa chuộng BĐS có khả năng khai thác tiêu dùng (cho thuê). Họ có gu đầu tư nhắm đến cùng lúc 2 mục tiêu: mang lại dòng tiền ổn định hằng tháng và tích lũy tài sản.

Đầu tư bất chấp khoảng cách địa lý

Nhà đầu tư Hà Nội được đánh giá ưa chinh phục những địa bàn mới, bất chấp khoảng cách lớn về địa lý để săn tìm BĐS tiềm năng. Họ không ngại xuống tiền mua BĐS ngoại tỉnh. Đặc biệt, làn sóng Nam tiến của nhà đầu tư phía Bắc, trong đó nhiều nhất là Hà Nội đã diễn ra trong hơn một thập niên qua tại nhiều thị trường như: Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai và các thành phố biển lớn của Việt Nam như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng...

Dè dặt khi đầu tư xa

Nhà đầu tư BĐS Sài Gòn đa phần hoạt động trong phạm vi Tp.HCM hoặc địa bàn lân cận phía Nam. Họ chuộng săn tìm cơ hội trên "sân nhà" hơn là đánh trận trên "sân khách". Rất ít nhà đầu tư BĐS Tp.HCM Bắc tiến hoặc tiến ra các tỉnh miền Trung.