Trần Nguyễn Trường Khoa (Đại học Ngoại thương Hà Nội) hiện đang làm cộng tác viên môi giới bất động sản cho một sàn giao dịch tại Cầu Giấy (Hà Nội). Do học theo tín chỉ nên quỹ thời gian của Khoa khá linh động. Yêu thích ngành bất động sản, Khoa chọn nghề môi giới với mong muốn được hiểu sâu hơn về thị trường. Chàng trai trẻ cũng đã hoàn thành các khóa đào tạo liên quan tới nghề.
Hồi mới vào nghề, Khoa thường theo chân các anh, chị trong công ty đi gặp khách hàng để học hỏi. Khoa vẫn nhớ lần đầu tiên cậu “độc lập” dẫn khách đi xem dự án. Những câu hỏi về dự án, pháp lý, Khoa trả lời dễ dàng. Thế nhưng khi khách nói sâu hơn về thị trường, so sánh các dự án với nhau, Khoa bắt đầu “đuối”. “Lúc đó, gần như chỉ có khách nói. Giữa tôi và khách có độ vênh lớn về kiến thức. Người khách cũng tỏ vẻ “thất vọng” khi thấy tôi chỉ gật gật, cười trừ”, Khoa nhớ lại. Sau vài lần “gật gật, cười trừ” như thế, Khoa nhận ra, để làm nghề chuyên nghiệp thì ngoài kĩ năng, kiến thức chuyên môn vững vàng thì những kinh nghiệm, kiến thức liên ngành, bổ trợ cũng rất cần thiết.
Nhiều sinh viên đã chọn công việc part time môi giới bất động sản, thay vì những
công việc làm thêm phổ biến như gia sư, chạy bàn, bán hàng…
Gia nhập nghề khi thị trường đang khởi sắc, nhưng theo Khoa, kiếm tiền từ nghề môi giới bất động sản không hề dễ dàng. Phải đến tháng thứ 7, Khoa mới môi giới thành công căn hộ đầu tiên. Các tháng trước đó, tiền hỗ trợ hàng tháng của công ty không đủ để cậu trang trải các chi phí chạy quảng cáo, xăng xe điện thoại, gặp khách hàng. Cậu phải xén vào tiền bố mẹ gửi lên hàng tháng và nhận dịch thêm tài liệu để có thể tiếp tục “theo nghề”. Khoa chia sẻ: “Có lúc nản, tôi muốn bỏ nghề. Nhưng rồi tôi nghĩ, người khác làm được thì mình cũng làm được. Những môi giới thành công đều là người kiên trì và nỗ lực trong công việc”. Sau gần 1 năm gắn bó, theo Khoa, cái được lớn nhất của cậu là sự mở rộng các mối quan hệ, các kĩ năng mềm ngày càng được hoàn thiện. Sau khi nhận bằng tốt nghiệp vào tháng 8 tới đây, Khoa sẽ tiếp tục theo đuổi công việc này.
Mai Thanh Tú (ĐH Lao động Xã hội Hà Nội) đến với nghề môi giới khá tình cờ. Năm thứ 2 đại học, Tú được một nhóm môi giới bất động sản thuê làm cộng tác. Công việc hàng ngày của Tú là gọi điện cho một loạt khách hàng trong database (cơ sở dữ liệu) để xác định những người có nhu cầu bán hoặc cho thuê nhà để báo lại với nhóm môi giới. Từ những cuộc điện thoại đó, cô bạn có những hình dung đầu tiên về nghề môi giới. Đầu năm 3 đại học, Tú quyết định làm cộng tác viên môi giới bất động sản ở phân khúc cho thuê chung cư, nhà riêng. Cô bạn sớm “ngấm” những vất vả của nghề khi ba tháng đầu tiên không môi giới được căn hộ. Số tiền lương cứng 2 triệu/ tháng cũng không thấm vào đâu so với các chi phí Tú phải bỏ ra khi theo nghề. Có tháng, Tú phải cắt giảm chi phí sinh hoạt để có tiền đổ xăng, tiền đăng tin, tiền nạp điện thoại. Sự kiên trì của Tú cũng được đền đáp. “Sang tháng thứ 4, tôi môi giới được căn hộ đầu tiên. Tiền hoa hồng bằng 4 tháng tiền đi gia sư của tôi trước đó ”, Tú chia sẻ.
Theo Tú, gương mặt quá trẻ của bản thân đôi khi cũng gây bất lợi lúc gặp khách hàng: “Nhiều khách hàng đánh đồng điều này với sự non nớt, tỏ thái độ không tin tưởng. Có khách khi biết tôi là sinh viên còn tỏ rõ sự coi thường. Vì thế, tôi xác định, sự chuyên nghiệp được hình thành trên nền tảng kiến thức và kĩ năng sẽ giúp mình “ghi điểm” trong mắt khách”.
Cái khó của nghề môi giới với những sinh viên như Khoa và Tú là thời gian dù linh hoạt nhưng không hoàn toàn chủ động. Khá nhiều lần khách gọi điện khi cả hai đang trong giờ học nên không thể nghe máy. “Đến khi tôi gọi lại, khách thông báo là đã gọi cho môi giới khác để được tư vấn”, Khoa cho biết.
Sức hút của nghề môi giới bất động sản với sinh viên không chỉ
ở mức hoa hồng hấp dẫn mà còn ở các cơ hội trải nghiệm
Trong khi đó, Hoàng Hải (ĐH Thủy Lợi Hà Nội) lại chuyên môi giới nhà trọ cho thuê. Nhờ nhiều lần chuyển phòng trọ, Hải nắm rõ những khu vực tập trung nhiều phòng trọ và thiết lập được các mối liên hệ với chủ nhà. Hải lập một database (cơ sở dữ liệu) về phòng trọ cho thuê rồi đăng tin trên các trang rao vặt, hội nhóm. Khi khách liên hệ, hai bên gặp mặt trực tiếp. Qua nhu cầu của khách, Hải đưa ra một loạt danh sách phòng trọ trống phù hợp kèm ảnh và địa chỉ. Người có nhu cầu sẽ tự đến xem. Do đối tượng khách hàng của Hải phần lớn là sinh viên nên mỗi lần cung cấp data như thế, Hải chỉ thu phí từ 50 đến 100 ngàn/lần. Dữ liệu của Hải liên tục được cập nhật nguồn mới thông qua bạn bè, internet, những lần đích thân đi tìm phòng của Hải. Nguồn thu từ công việc này không lớn nhưng đủ để chàng sinh viên Thủy lợi trang trải một phần tiền thuê nhà, tiền ăn học tại Hà Nội.
Trên thực tế, sức hút của nghề môi giới bất động sản với sinh viên không chỉ ở mức hoa hồng hấp dẫn mà còn ở các cơ hội trải nghiệm: được gặp gỡ nhiều người, được trau dồi kiến thức, kĩ năng thuộc một lĩnh vực mới mẻ. Anh Nguyễn Trọng Chức (nhân viên kinh doanh Công ty Cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất xanh miền Bắc) cho biết: “Tôi nhận thấy những sinh viên làm môi giới bất động sản gắn bó lâu với nghề, đều là những bạn trẻ thực sự đam mê với công việc. Họ cầu thị, ham học hỏi, đề cao những trải nghiệm nhận được và chưa đặt quá nặng vấn đề tiền bạc khi làm công việc này”.