Thị trường

Sinh viên đầu tư bất động sản

28/06/2017

Nguyễn Mai Lan (Khoa Marketing, Đại học Thương mại Hà Nội) thần tượng Donald Trump và không bỏ sót bất cứ cuốn sách nào về bất động sản của thần tượng. Ý định kinh doanh bất động sản của Lan manh nha từ đó. Sau hai năm đầu đại học thuê trọ, đến năm ba, cô bạn quyết định đầu tư bất động sản. Lan chọn mô hình “thuê - cho thuê lại” do mô hình này không cần đến nguồn vốn lớn như “sở hữu cho thuê”. Sau gần 2 tháng “lùng sục” các ngõ ngách, Lan thuê được căn nhà riêng nguyên căn trong ngõ sâu có diện tích 50m2x4 tầng tại Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm) với giá 7 triệu/tháng. Sau khi đặt cọc khoản tiền nhỏ để giữ nhà, trong một tháng đợi người thuê cũ trả nhà, Lan lên mạng tìm khách thuê.

Theo học về marketing nên cô bạn sử dụng thành thạo nhiều “công cụ” nhằm tiếp cận được khách hàng tiềm năng. Chưa đầy 3 tuần, các phòng đều được đặt cọc. Với 5 phòng ngủ đầy đủ đồ đạc, Lan cho thuê với giá từ 1,8-2 triệu/phòng. Lan cải tạo tầng 1 vốn là khu bếp và chỗ để xe thành một căn phòng nhỏ có bếp nấu cho chính mình sử dụng. Ngoài việc không mất tiền thuê trọ, mỗi tháng Lan bỏ túi gần 3 triệu đồng. Sang năm thứ 4 đại học, Lan mở rộng quy mô khi thuê tiếp 1 căn nhà riêng tại Phú Diễn (Từ Liêm). Căn nhà 3 tầngx60m2 với 2 phòng ngủ có giá 5 triệu/tháng. Sau khi thuê lại, Lan dành hẳn 1 tháng để sửa chữa, cải tạo ngôi nhà. Phòng kho chứa đồ trên tầng 3 được biến thành phòng ngủ, khu tầng 1 gồm nhà bếp và phòng khách cũng được cải tạo thành 1 phòng riêng. Các phòng được cho thuê với giá dao động từ 1,7-1,9 triệu/tháng. Sau khi trừ tất cả chi phí, số tiền chênh Lan bỏ túi ở căn nhà này là khoảng 2,5 triệu/tháng.

Một số sinh viên dù chỉ sở hữu lượng vốn nhỏ, thậm chí “tay không” đã đạt được
những thành công nhất định trong lĩnh vực đầu tư bất động sản. Ảnh: Internet

Đoàn Tấn Minh (Học viện Bưu chính Viễn thông Hà Nội) hiện đang ở trọ cùng gia đình anh trai tại khu đô thị Văn Khê (Hà Nội) cũng chọn mô hình “thuê - cho thuê lại” để kinh doanh bất động sản. Giá thuê căn hộ ở Văn Khê khá rẻ, khoảng 4 triệu/tháng với căn không đồ. Trong một lần đến thu tiền nhà, người chủ cho biết căn hộ còn lại của họ ở tầng trên, khách thuê đến hết quý rồi trả lại. Lúc đó, Minh quyết định vay tiền anh trai và bạn thân để thuê căn hộ rồi tính cách cho thuê lại. Căn hộ Minh thuê có diện tích 110m2 với 2 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh, khu nấu bếp và 1 phòng khách rộng. Chủ nhà đồng ý cho Minh ngăn phòng khách rộng thành 2 phòng (phòng ngủ và phòng khách) bằng tấm thạch cao. Phòng có nhà vệ sinh bên trong được Phong cho thuê với giá 2 triệu, 2 phòng còn lại dùng chung 1 nhà vệ sinh có giá thuê lần lượt là 1,9 triệu và 1,8 triệu/phòng. Như vậy, sau khi trừ đi tất cả các khoản phí, Phong bỏ túi chênh lệch gần 2 triệu/tháng. Tiếp đó, Phong mở rộng mô hình kinh doanh khi thuê tiếp căn nhà riêng tại Ao Sen (Hà Đông) và một căn tại Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân). Hiện nguồn thu thụ động của cậu sinh viên năm 3 đại học là gần 10 triệu đồng/tháng.

Theo Minh, bất động sản của mô hình “thuê - cho thuê lại” cần chú trọng đến vị trí. “Vị trí đó không được quá xa trung tâm, phải gần các trường đại học, các khu công nhân nhằm đảm bảo tính thanh khoản của sản phẩm”, Minh nhấn mạnh.

Cả Minh và Lan đều cho rằng việc thuê nhà rồi cho thuê lại không đơn giản là đến thời điểm thì đi thu tiền. Minh và Lan đều gặp nhiều khó khăn phát sinh khi bắt tay vào công việc. Với căn hộ tại Văn Khê, sau khi cho thuê được 1 phòng, 2 phòng còn lại đều bị trống đến hơn tháng khiến Minh phải bù lỗ giai đoạn đầu. Minh chia sẻ: “Khi đó, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm.Tôi chỉ đăng quảng cáo trên một vài trang rao vặt bất động sản nên không tiếp cận được nhiều và đúng khách hàng mục tiêu. Sau đó, được một người bạn tư vấn, tôi tăng cường đăng các tin có mô tả chi tiết về sản phẩm kèm ảnh chụp tại các hội, nhóm sinh viên các trường đại học xung quanh khu vực. Quả thực, tình hình sau đó đã được cải thiện”.

Trong khi đó, do sử dụng thành thạo các công cụ Marketing, cùng với giá cả hợp lý, nên tỉ lệ lấp phòng ở các căn nhà Lan cho thuê rất nhanh. Nhưng cô bạn cũng phải chịu “quả đắng” từ sự nhanh chóng này. Lan cho biết: “Khách thuê căn nhà tại Cổ Nhuế có một cặp nam nữ xưng là anh em ruột. Nhưng thực ra đó là một đôi sống thử. Cặp vợ chồng hờ này thường xuyên đánh lộn, gây ảnh hưởng đến các phòng khác khiến tôi phải đau đầu giải quyết và sau đó là buộc họ phải chuyển đi”.

Cũng vì không sàng lọc kĩ khách thuê, mà có lần đang trên lớp học, Lan nhận được điện thoại của chủ nhà thông báo tổ dân phố phản ánh tình trạng mất trật tự ở căn nhà tại Phú Diễn. Trong số các khách thuê, có 1 phòng chuyên đưa bạn bè về tụ tập, ăn uống, hát hò ầm ĩ tới khuya, gây mất trật tự khu phố. “Vụ đó suýt chút nữa thì chủ nhà hủy hợp đồng với tôi. Sàng lọc khách thuê rất quan trọng trong việc cho thuê nhà. Nếu không có sự kĩ càng trong việc chọn khách thì quá trình vận hành sẽ gặp nhiều khó khăn”, nữ chủ nhân chia sẻ.

Việc quản lý các ngôi nhà cho thuê cũng “ngốn” của cả hai một khoảng thời gian không nhỏ khi phải giải quyết hàng loạt những vấn đề phát sinh như đăng ký tạm trú, sửa điện nước, chống thấm, người thuê đóng tiền trễ… Theo kinh nghiệm của Lan thì để mọi việc diễn ra nhanh chóng cần chặt chẽ trong các quy định về an ninh, vệ sinh, về thời gian đóng tiền nhà, thời gian đăng kí tạm trú. Các quy định này cần được thể hiện rõ trong hợp đồng kí kết giữa các bên.