Phần lớn những khu tập thể cũ được hình thành sau giải phóng thủ đô Hà Nội (10/10/1954) đều có sự đồng bộ trong thiết kế: nhà ở, sân chơi, hệ thống trường học và hệ thống xử lý rác thải. Tư liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 nêu rõ các khu nhà tập thể xây dựng trong giai đoạn 1955-1985 luôn dành 50-69% diện tích cho không gian công cộng gồm sân chơi, sân chung, lối đi trong khu dân cư và cây xanh. Quá trình đô thị hóa khiến nhiều không gian công cộng bị chuyển đổi công năng, trong đó có sân chơi dành cho trẻ. Thay vì phục vụ cộng đồng, các không gian này trở thành công cụ kiếm lợi của một nhóm người.
Theo khảo sát của PV Batdongsan.com.vn, phần lớn sân chơi trẻ em tại các khu tập thể cũ đều bị người lớn chiếm dụng thành bãi để xe, chỗ buôn bán. Cụ thể, tại khu tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội), khu vực sân chơi chung, lối đi lại thuộc G6, B7A… trở thành chỗ để xe. Hơn 10 năm nay, khoảng sân chơi 500m giữa 2 dãy nhà E3, E10 của khu tập thể Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) bị biến thành khu vực kinh doanh nhỏ lẻ. Nhiều sân chơi thuộc khu C tập thể Kim Liên (Hà Nội) bị các hàng ăn vây kín. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các khu tập thể Trung Tự, Giảng Võ, Thanh Xuân Bắc, Nam Đồng…
Phần lớn sân chơi trẻ em tại các khu tập thể cũ đều bị người lớn
chiếm dụng thành bãi để xe, chỗ buôn bán (Ảnh: Thể thao văn hóa)
Nếu sân chơi ở các khu tập thể cũ bị lấn chiếm thì tại nhiều khu đô thị, hạng mục sân chơi lại bị “lãng quên”. Điều này không khó hiểu bởi các không gian công cộng đều là những công trình không mang lại lợi nhuận cho các chủ đầu tư.
Khu đô thị Văn Khê đi vào hoạt động từ năm 2012 với hơn 100 biệt thự, hàng trăm căn liền kề và 6 chung cư cao tầng nhưng lại không có sân chơi cho trẻ. Năm 2016, cư dân các tòa chung cư đã cùng góp tiền xây dựng khu vui chơi. Trên thực tế, đó là khoảng trống dưới chân các tòa nhà được đặt thêm xích đu, cầu trượt… Không gian này ngoài là chỗ đi lại, vui chơi của trẻ, cũng “tích hợp” cả hàng quán, chỗ để xe.
Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm với 12 tòa nhà cao 41 tầng, có sức chứa hơn 30 vạn dân cũng không có sân chơi. Tại khu đô thị Đại Thanh, Định Công, trẻ em phải chơi trong hành lang, sảnh chung cư của tòa nhà.
Nhiều chung cư thuộc trung tâm như Lancaster Núi Trúc, Ngọc Khánh Plaza, 71 Vườn Xuân, M3-M4 Nguyễn Chí Thanh, 27 Huỳnh Thúc Kháng, C37 Bắc Hà, Tây Hà… cũng thiếu vắng sân chơi trẻ em.
Thực trạng trên đã thôi thúc một nhóm bạn trẻ cùng hành động, tạo nên những sân chơi miễn phí cho trẻ. Nhóm “Think Playgrounds– Nghĩ về sân chơi trong thành phố” ra đời, tập trung giải quyết vấn đề thiếu không gian vui chơi trong thành phố. Họ tin được chơi là một điều tuyệt vời, trước khi để những đứa trẻ ngồi vào bàn học. Sáng lập nhóm là kiến trúc sư Chu Kim Đức và phóng viên Nguyễn Tiêu Quốc Đạt. Cả hai đều thấm thía sự thiệt thòi của con cái và những đứa trẻ lớn lên trong một Hà Nội phát triển thiếu chiều sâu. “Hà Nội giờ không thiếu những khu vui chơi hiện đại, đẳng cấp. Nhưng người lớn phải mất tiền để mua niềm vui, sự trong lành cho trẻ em”, Quốc Đạt chia sẻ.
Think Playgrounds tận dụng những khoảng đất trống hiếm hoi ở Hà Nội để xây dựng các không gian vui chơi cho trẻ. Nhóm chủ trương sử dụng nguồn vật liệu tái chế, đặt tiêu chí an toàn và rẻ lên hàng đầu để xây dựng sân chơi. Xích đu được làm từ lốp xe cũ. Lốp xe cắt nửa và gỗ tận dụng tạo nên bập bênh. Xe trượt được làm từ gỗ sồi tận dụng từ hẻm cửa và gỗ thông pallet…
Một sân chơi ở khu tập thể của nhóm Think Playgrounds
Ngoài những khoảng đất trống hiếm hoi, nhóm còn tận dụng nhà vệ sinh bỏ hoang hàng chục năm ở ngõ 179 Hoàng Hoa Thám để xây dựng sân chơi công cộng. Được sự ủng hộ của phường Ngọc Hà (Ba Đình), nhà vệ sinh đã được giải tỏa, xây nền và hình thành nên một sân chơi.
Theo Kim Đức, sự thành công của mô hình sân chơi cộng đồng ở các khu tập thể, khu dân cư của Think Playground có nguyên nhân từ tính gắn kết cộng đồng chặt chẽ của các khu tập thể, khu dân cư và sự ủng hộ của nhiều người trong cộng đồng đó.
Đến nay, nhóm đã làm được 49 sân chơi trên toàn quốc. Riêng tại Hà Nội, hàng chục sân chơi đã được hình thành như sân chơi ở bãi giữa sông Hồng, sân chơi Bộ Thủy sản (Ngọc Khánh, Ba Đình), sân chơi ngõ 238 đường Hoàng Quốc Việt, Sân chơi ở ngõ 208 đường Giải Phóng, sân chơi ngõ 102 Trường Chinh, sân chơi khu tập thể Phương Mai, sân chơi ở tổ 3 phường Trung Tự…
Ngoài ra, nhóm cũng tổ chức các sự kiện vui chơi ngoài trời như Playday, Playstreet… Tất cả nhằm mục đích truyền thông về quyền được chơi và sử dụng không gian công cộng cho sân chơi trẻ em.