Những sản phẩm mới này liệu có thể tồn tại trong một môi trường pháp lý chưa hình thành?
Các chuyên gia cho biết, loại hình BĐS kết hợp giữa cư trú và kinh doanh đã xuất hiện từ lâu. Từ nhiều thế kỷ trước, những shop-house (cửa hàng - nhà ở) đã xuất hiện trong lòng các thành phố, thị trấn tại nhiều nước phương Tây. Tuy nhiên, sự bùng nổ của loại hình BĐS này bị cản trở bởi nhiều yếu tố khách quan như cách mạng công nghiệp, những chính sách mới của Chính phủ trong việc khoanh vùng, sự phát triển của phương tiện giao thông…
Sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ trong những năm gần đây đã tạo điều kiện cho con người có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu. Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường, hệ thống hạ tầng giao thông xuống cấp, nhịp sống nhanh… đã khiến nhu cầu làm việc tại gia càng cần thiết hơn bao giờ hết.
Về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, PGS.TS Trần Kim Chung cho rằng, Office-tel là một sản phẩm của xã hội và là giải pháp cho thị trường BĐS. Do đó, để loại hình này phát triển và hoàn thành sứ mệnh của mình, Nhà nước cần làm “bà đỡ”, cho Office-tel một cái tên riêng với những quyền năng cụ thể.
Cũng theo ông Chung, hiện nay, nhu cầu sử dụng những căn hộ dạng Office-tel rất lớn. Ví dụ như các đơn vị khởi nghiệp, văn phòng đại diện nhỏ hoặc những người đi vãng lai trong khoảng thời gian ngắn… họ muốn có chỗ làm việc, có chỗ ở nhưng nếu ở ngoại thành rồi lại vào thành phố làm việc thì rất phức tạp. Ưu điểm của mô hình 2 trong 1 này là đem lại sự tiện lợi, tiết kiệm chi phí và thời gian di chuyển. Vì thế, Office-tel cũng tạo điều kiện tăng khả năng nguồn cầu (luồng tiền) và tăng nguồn cung cho thị trường, kích thích nhà đầu tư.
Theo nguyên lý cơ bản, pháp luật thường đi sau nhu cầu của cuộc sống để hoàn thiện chính mình. Thiết nghĩ, thực tiễn cuộc sống đang mong muốn các nhà lập pháp thừa nhận đứa con tất yếu này, hãy “đặt tên cho em” và tạo môi trường cho “em” nó phát triển