Tại văn bản số 5621 của UBND TP. Hà Nội ngày 30/9/2016, ngoài Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajco), còn có đến 18 doanh nghiệp được giao lập quy hoạch chi tiết 1/500 toàn khu chung cư cũ.
Cụ thể, Tập đoàn T&T "ôm" 2 khu thuộc Tập thể Bách Khoa với 29 nhà chung cư cũ cao 2- 5 tầng và Tập thể Đại học Thủy lợi với 12 nhà cao từ 2- 5 tầng; Tập đoàn Hòa Phát là khu tập thể Tân Mai (20 ha) với 88 nhà cao từ 2- 5 tầng; Công ty CP XNK Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) là khu tập thể Khương Thượng (14,8 ha) với 30 nhà từ 2 – 5 tầng;...
Nhiều doanh nghiệp xếp hàng xin cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội
Bên cạnh đó, một doanh nghiệp khá "bết bát" như Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu & Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cũng muốn cải tạo Khu tập thể thuốc lá Thăng Long với 7 nhà cao từ 2- 5 tầng. Công ty CP Địa ốc Sông Hồng từng dính vào kiện cáo với cư dân cũng được giao làm quy hoạch khu tập thể Quỳnh Mai với diện tích đất 17,49ha, gồm 41 nhà chung cư cũ cao từ 2- 5 tầng. Trước đó, Công ty CP Địa ốc Sông Hồng từng cải tạo chung cư 165 Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội). Nhưng chủ đầu tư này đã vướng phải những lùm xùm như biến tầng kỹ thuật thành văn phòng, biến vườn hoa, tiểu cảnh thành bể bơi.
Hay Tập đoàn Tung Shing từng dính lùm xùm xoay quanh câu chuyện bán chỗ để xe hàng tỷ đồng tại chung cư Golden Westlake (đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội). Hiện tại, chủ đầu tư này lại được Hà Nội giao quy hoạch khu tập thể Vĩnh Hồ (22,26 ha) với 88 nhà chung cư cũ cao 2- 5 tầng.
Theo ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội), việc cải tạo chung cư cũ đang gặp khó khăn vì nhiều lý do. Bản chất ngân sách nhà nước không có tiền đứng ra cải tạo nên để doanh nghiệp vào làm. Hiện tại, theo phương án cải tạo mới, chủ đầu tư phải làm cả khu thay vì làm riêng lẻ từng tòa một như trước đây.
Toàn bộ phương án cải tạo, đề xuất của doanh nghiệp đều phải xin ý kiến của dân và phải có sự đồng thuận như quy định tại Nghị định 101 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Song, ông Đạm cũng cho rằng, có những trường hợp như B6 Giảng Võ, chính cư dân lựa chọn chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư mãi không cải tạo cho dân.
Khảo sát của Sở Xây dựng cho thấy, hiện Hà Nội có 76 khu chung cư cũ gồm hơn 1.500 nhà thuộc diện phải cải tạo. Theo cấp độ nguy hiểm, thành phố đã lọc ra 28 chung cư cũ và giao cho 19 chủ đầu tư lập quy hoạch cải tạo chi tiết, đặc biệt ưu tiên đối với 3 tòa chung cư thuộc cấp độ D buộc phải tháo dỡ gồm: G6A Thành Công, C8 Giảng Võ và khu A tập thể Ngọc Khánh.