Vốn ngoại đổ vào BĐS 06 tháng đầu năm giảm: Cụ thể, kiều hối đổ về nước trong 6 tháng đạt 2,1 tỷ USD, con số này sụt giảm khá mạnh so với 5,7 tỷ USD trong năm 2016. Trong đó, khoảng 1/5 lượng kiều hối được đầu tư vào lĩnh vực BĐS, giảm nhẹ so với mức 21% của năm 2016. FDI hiện chỉ đạt 2,2 tỷ USD, giảm mạnh so với 11,3 tỷ USD thu được cùng kỳ 2016. Lĩnh vực BĐS thu hút khoảng 50,3 triệu USD chiếm 12,82%, chỉ đứng thứ 4 trong thu hút nguồn vốn FDI, giảm 2 bậc so với vị trí thứ 2 cùng thời điểm năm trước. Vốn FDI rót vào lĩnh vực BĐS chủ yếu thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập dự án.
Lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới không ngừng tăng: Trong 06 tháng đầu năm nay, có khoảng 18.000 doanh nghiệp được thành lập mới, hơn 1/3 trong số này là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản vẫn đang thu hút sự quan tâm đầu tư rất lớn.
Nguồn cung hiện hữu căn hộ trung cấp giảm mạnh: Số lượng nhà ở chào bán trong 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm 2016. Theo báo cáo của Savills, giao dịch căn hộ giảm 13% so với cùng kỳ. Căn hộ cao cấp, hạng sang giảm lần lượt 50% và 35%.
Báo cáo mới nhất của HoRea cũng phản ánh, trong khi phân khúc nhà ở bình dân chào bán tăng 1,9 lần thì phân khúc trung cấp giảm đến 42,1%. Một số chủ đầu tư lớn chuyên phát triển dự án nhà ở trung cấp thậm chí còn không có sản phẩm nào chào bán trong 06 tháng đầu năm nay.
Nguồn cung căn hộ trung cấp sụt giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2017. Ảnh minh họa
Đáng chú ý, trong khi thị trường có chiều hướng ổn định thì vấn đề tranh chấp tại các chung cư vẫn diễn biến ‘nóng’. Loạt thông tin về tranh chấp giữa CĐT và cư dân về vấn đề quản trị, sở hữu, phí vận hành, chất lượng xây dựng...được phản ánh liên tục trên các trang báo. Nghiêm trọng hơn, các công trình phòng cháy chữa cháy kém chất lượng, chây ì sổ đỏ, tự ý thế chấp dự án cho ngân hàng mà không giải chấp, chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã đưa dân vào ở… gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức tiêu thụ phân khúc căn hộ.
Ngoài diễn biến thị trường, chính sách đáng chú ý nhất trong 6 tháng qua là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/08/2017 góp phần làm lành mạnh hoạt động tín dụng, xử lý hiệu quả tài sản bảo đảm mà phần lớn là bất động sản, tạo thêm nguồn lực cho nền kinh tế và giúp tái khởi động các dự án bất động sản đã bị thế chấp hoặc ngừng triển khai trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, Nhà nước vẫn duy trì chính sách siết tín dụng vào BĐS: Theo HoREA, trong 6 tháng đầu năm 2017, tín dụng bất động sản có mức tăng trưởng đạt 6,35%. Lãi suất ổn định, riêng lãi suất vay mua nhà xã hội giữ ở mức 4,8%. Tuy nhiên do thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN, doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn hơn khi tiếp cận nguồn tín dụng mới.
Nhìn toàn cảnh, thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro như có dấu hiệu lệch pha cung - cầu, chủ yếu lệch về phân khúc bất động sản cao cấp. Nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội đổ vào thị trường có xu hướng tập trung vào một số doanh nghiệp lớn và phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời đã có sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, trong khi đó, phân khúc thị trường nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền có tính thanh khoản cao thì "cung" lại không đủ "cầu".