Ngày 27/2, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM đã tổ chức Hội thảo Phát triển nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ với định hướng các doanh nghiệp liên kết để cho ra đời loại nhà ở giá rẻ, nhưng phải bảo đảm chất lượng và điều kiện sống cho người dân.
Tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Tp.HCM - ông Đinh La Thăng cho biết một trong những quan tâm của ông trong việc xây dựng nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp tại Tp.HCM là liên kết các doanh nghiệp ở những ngành nghề có liên quan để tạo ra những căn nhà có giá hợp lý.
“Nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ của một thành phố hiện đại nhất thiết không thể là những khu ổ chuột mới. Trong các khu nhà ở này phải có hệ thống y tế, giáo dục, thể dục thể thao khép kín.
Chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân của Tp.HCM đến năm 2020 là gần 20m2/người thì phải xây loại nhà ở có diện tích từ 40-60m2. Thành phố cần nhà giá rẻ, chứ không phải là nhà diện tích nhỏ giá thấp” - ông Thăng phát biểu.
Hưởng ứng ý tưởng của Bí thư Thành ủy, ông Nguyễn Tuấn Anh, tổng giám đốc Công ty ximăng Hà Tiên 1, cho biết doanh nghiệp này có thể bán giá ximăng bằng giá thành, giảm chi phí khoảng 300.000 đồng/tấn cho các doanh nghiệp xây nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội.
Còn ông Trần Anh Kiệt, giám đốc Công ty Tây Nam đồng tình quan điểm bằng cách sẵn sàng cung cấp đá granit với giá thành rẻ hơn 20% giá thị trường để giúp người thu nhập thấp của Tp.HCM có nhà.
Để giảm giá thành nhà ở cho người dân, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM - ông Lê Văn Khoa nêu sẽ liên hệ một số công ty sản xuất thép để họ giảm giá cho việc xây dựng nhà ở xã hội, nhà giá rẻ của thành phố.
Gia đình chị Lê Thị Thắm quyết định mua trả góp một căn hộ thuộc dự án chung cư Lê Thành (phường
Tân Tạo, quận Bình Tân, Tp.HCM) vì hợp với thu nhập của hai vợ chồng. Ảnh: Duyên Phan
Theo ông Trần Bá Dương, TGĐ Công ty CP đầu tư Đại Quang Minh, hiện nay các doanh nghiệp vẫn xem nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ chỉ như một “ngã rẽ” tạm thời khi thị trường nhà đất khó khăn, chứ chưa xem đây là một thị trường thật sự.
Do thế mà các quy trình, công nghệ dành cho loại nhà ở này chưa được chuẩn hóa khiến các cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp còn nhiều lúng túng, phải tham khảo, xin ý kiến nhiều nơi.
“Việc chuẩn hóa quy trình cho loại hình dự án này là cần thiết, phải xem nhà ở xã hội, nhà giá rẻ là một thị trường kinh doanh thật sự” - ông Dương nhấn mạnh.
Cũng trong hội thảo, ông Đinh La Thăng yêu cầu phải hình thành thị trường nhà ở xã hội để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào loại hình này. Ông Thăng cho rằng, quy định sau khi trả hết tiền 5 năm thì người dân mới được chuyển nhượng là chưa hợp lý.
Trong khi xã hội đang khuyến khích người dân thoát nghèo, khi đã giàu lên người dân phải có quyền bán nhà mới hình thành thị trường, khuyến khích thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
“Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM phải bàn bạc trực tiếp với các lãnh đạo và sở ngành để đề xuất các cơ chế chính sách cụ thể, giải quyết các vướng mắc. Làm sao phải rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư dự án nhà ở xuống còn tối đa chỉ 6 tháng.
Các doanh nghiệp chỉ liên hệ với Sở Xây dựng làm các thủ tục, có thắc mắc gì cũng liên hệ sở này để được giải đáp” - ông Đinh La Thăng nói.
Nhắc lại việc muốn đưa mô hình nhà ở 100 triệu đồng/căn tại tỉnh Bình Dương về Tp.HCM vào đầu tháng 2, Bí thư Đinh La Thăng cho biết, Tp.HCM muốn học cách làm, cách sáng tạo của tỉnh Bình Dương, nhưng đối với thành phố phải có cách khác.
Cái học được ở tỉnh Bình Dương là quyết tâm chính trị cao của chính quyền về việc lo chỗ ở cho lực lượng công nhân, người có thu nhập thấp. Nhưng Bình Dương là tỉnh có đến 50% dân số là người nhập cư, còn Tp.HCM thì khác.
Khẳng định Tp.HCM sẽ không áp dụng máy móc, ông Thăng nêu thành phố sẽ phát huy năng động sáng tạo, luôn đổi mới, sẵn sàng đổi mới và chấp nhận rủi ro để đổi mới...