Thị trường

Lo siết tín dụng, nhà đầu tư bán tháo căn hộ cao cấp

22/02/2017

Ông Đỗ Văn Diệp, một môi giới lâu năm trên địa bàn quận Tân Phú cho biết, đầu tháng 2 vừa qua ông đã nhận được hơn chục yêu cầu ký gửi bán ra căn hộ thuộc nhiều dự án cao cấp đang triển khai trên địa bàn quận. Ông Diệp cho hay, phần lớn nhà đầu tư vẫn rao giá khá cao nhưng sẵn sàng bán ra với giá thấp hơn giá rao bán từ 50 đến 100 triệu đồng nếu có người hỏi mua thực.

Một nhà đầu tư tại Bàu Cát, Tân Bình đang rao bán 2 căn hộ cao cấp River City (quận 7) cho biết, ông chấp nhận bán căn hộ với giá 26,5 triệu/m2 bất chấp giá giao dịch trên thị trường của dự án hiện là 28 - 30 triệu/m2. Theo nhà đầu tư này, thà chấp nhận lời ít một chút để ra hàng nhanh còn hơn cứ để giá cao nhưng không bán được, để hàng tồn kho lâu thì lãi ngân hàng sẽ ăn cụt cả vốn bỏ ra.

Hiện nay, không chỉ các chủ đầu tư dự án mà giới đầu tư BĐS tại Tp.HCM đang có những phản ứng khá nhanh trước thông tin thắt chặt tín dụng bất động sản của chính phủ trong năm 2017. Bước vào cuộc chạy đua ra hàng trước khi bị siết nguồn vốn, các chủ đầu tư đua nhau mở bán, nhà đầu tư thì lo lắng trước động thái bung hàng của doanh nghiệp, tranh thủ bán ra nhanh, chấp nhận lời ít đi để không bị chết hàng.

Chị Nguyễn Ngọc Như Yên, một nhà đầu tư đang rao bán 2 căn hộ The Sun Avenue (quận 2) chia sẻ, cần xoay vốn để đầu tư vào một dự án trung cấp khác, chị mới bán 2 suất đầu tư ở dự án hiện tại. Hiện các ngân hàng đang có động thái quản lý chặt chẽ hơn đối tượng vay vốn, mức lãi suất vay cũng cao hơn. Nhiều nhà đầu tư như chị sẽ gặp khó khăn trong tiếp cận vốn nên buộc phải tự xoay vốn bằng cách thu hồi nguồn tiền đã bỏ ra đầu tư trước đó. Để bán ra dễ hơn, chị thậm chí đã hạ giá xuống 2 triệu/m2 so với giá giao dịch trên thị trường.

Nhiều dự án căn hộ cao cấp sắp bước vào giai đoạn bàn giao được rao bán trên

thị trường với giá bán thứ cấp giảm nhẹ. Ảnh: Phương Uyên

Hiện nay, không khó để tìm thấy các tin rao bán căn hộ cao cấp với giá cắt lỗ từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Ngoài mức lỗ thặng dư theo sức tăng thị trường, nhiều nhà đầu tư thứ cấp còn phải chịu lỗ tính theo mức lãi suất vay vốn từ ngân hàng. Ông Nguyễn Đình Toàn (Tạ Quang Bửu, quận 8) một nhà đầu tư nhà đất khu Đông cho biết, ông vừa rao bán 2 căn hộ cao cấp Centana (quận 2) với giá rẻ hơn 1 triệu/m2 so với giá thị trường. Mục tiêu của ông là thu hồi vốn, chuyển sang đầu tư vào phân khúc dễ thanh khoản hơn là đất nền và căn hộ tầm trung. “Mua từ đợt đầu, dự kiến là đến đợt 2 sẽ bán ra nhưng giá không tăng như kỳ vọng nên cứ tiếc mà giữ lại. Giờ không thể giữ nữa đành phải bán ra với giá chênh có 50 triệu. Tính lãi ngân hàng năm qua thì xem như hòa vốn, tuy nhiên đây là lựa chọn tốt, nhất là khi thị trường ngày càng nhiều dự án mới tung ra”, ông Toàn chia sẻ.  

Nhìn nhận về thị trường căn hộ cao cấp ở Tp.HCM, ông Nguyễn Văn Hậu - TGĐ Công ty CP BĐS Asian Holding cho biết, từ cuối 2014  đến nay, khi thị trường căn hộ cao cấp có dấu hiệu sốt trở lại, nhà đầu tư đã mua vào một lượng hàng khá lớn, thậm chí vượt sức tiêu thụ thực. Đến thời điểm này, đối với các dự án đã bàn giao nhà, giới đầu tư buộc phải tập trung vốn để tái đầu tư vào dự án khác thì lại gặp không ít khó khăn do khó ra hàng. Điều này buộc họ phải có động thái điều chỉnh giá, hạ mức kỳ vọng lợi nhuận từ khoản đầu tư để đẩy mạnh thanh khoản. Các số liệu giao dịch căn hộ cao cấp qua từng quý kể từ đầu năm 2016 đến nay cũng cho thấy sức tiêu thụ liên tục sụt giảm. Lượng tiêu thụ các dự án mới hiện chỉ vào khoảng 40% giỏ hàng. Tính đến nay thị trường BĐS Tp.HCM đã thừa vài chục ngàn căn hộ chưa bán được. Nguồn cung căn hộ dồi dào hiện tại đem đến cho người mua thực quá nhiều sự lựa chọn. Điều này ít nhiều sẽ khiến việc bán hàng trên toàn thị trường chậm lại.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, động thái hạ giá bán trên không hoàn toàn gây ra thua lỗ cho nhà đầu tư. Đại diện SGD Trường Phát (quận 2) cho biết, xu hướng hạ giá bán ra cho thấy giá bán phân khúc cao cấp đang dần trở lại mức giao dịch thực. Nhiều nhà đầu tư ký gửi bán ra với giá thấp hơn giá rao chung của thị trường nhưng không phải là giá bán lỗ. Thực tế còn lời từ 2-3 triệu/m2 so với lúc mua vào. Thị trường hiện đang tồn tại nhiều nguồn tin ảo về giá bán. Không chỉ môi giới mà dân đầu tư cũng hay tung ra các mức giá chênh, giá khống để khuấy động sức mua, làm giá thị trường. Mức giá khống này luôn vượt giá trị thực từ 4 -5 triệu/m2. Vì vậy, việc rao bán rẻ hơn từ 1- 2 triệu/m2 hoàn toàn không khiến nhà đầu tư thua lỗ.

Ông Thu Sinh, một nhà đầu tư tại quận 7 cho biết, dù bán rẻ gần 1,5 triệu/m2 so với giá rao bán trên thị trường nhưng lại cao hơn từ 2- 3 triệu/m2 so với giá mua vào thời điểm đầu năm 2016. Tính cả chi phí lãi suất thì ông vẫn thu lời mỗi căn bán ra hơn 150 triệu.

Trước thực trạng dư thừa nguồn cung cùng với động thái siết vốn từ phía chính phủ, ông Nguyễn Văn Hậu khuyên nhà đầu tư nên thận trọng hơn trong việc tính toán về khoản đầu tư cũng như tiềm lực tài chính của bản thân. Bên cạnh lựa chọn phân khúc đầu tư hợp lý, việc đưa sản phẩm về mức giá thật, phù hợp với sức mua của thị trường là điều cần chú trọng hơn cả.