Thị trường

Khối nội giành thị phần căn hộ cao cấp với khối ngoại

11/07/2017

Vừa qua, Công ty DKRA đã công bố báo cáo 6 tháng đầu năm về thị trường căn hộ cao cấp Tp.HCM với điểm nhấn là cuộc so găng quyết liệt giữa 2 nhóm chủ đầu tư trong nước và nước ngoài. Đây là phân khúc có giá bán từ 2.000 USD/m2 trở lên, xét về giá, chỉ xếp sau căn hộ hạng sang và siêu sang.

Trong nửa năm qua, nguồn cung thị phần căn hộ cao cấp của khối nội và ngoại bám đuổi sát nhau, chênh lệch gần như không đáng kể. Rổ hàng hóa đôi bên lần lượt tung ra là 1.783 - 1.782 căn. Lượng tiêu thụ chung cư cao cấp của khối nội có phần nhỉnh hơn, bán trên 1.600 căn nhờ có nhiều chương trình khuyến mãi. Còn khối ngoại ghi nhận 1.460 giao dịch thành công, sức mua chỉ thấp hơn các doanh nghiệp trong nước khoảng 8%.

Diễn biến thanh khoản của khối nội và khối ngoại cũng có sự phân hóa trong nửa năm qua. Theo đó, khối ngoại bán hàng hiệu quả ngay từ lần đầu tung hàng ra thị trường nhưng ít dùng các chương trình khuyến mãi kích cầu. Khối nội lại bán tốt trong những đợt bán hàng có phương án kích cầu như rút thăm trúng thưởng ôtô, vàng, hàng nội thất...

Khối nội và khối ngoại đang "so găng" quyết liệt giành thị phần
căn hộ cao cấp tại Tp.HCM. Ảnh: Hà Thanh

Những chủ đầu tư ngoại tại Tp.HCM hiện nay như Singapore, Hong Kong, Đài Loan,... đều có nguồn vốn ổn định, cùng với thế mạnh huy động vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế. Với tiềm lực tài chính mạnh, các đơn vị này có thể xây dự án mà không bị ảnh hướng bởi việc huy động vốn từ khách hàng. Bên cạnh đó, khối ngoại còn có bề dày kinh nghiệm phát triển bất động sản, đầu tư bài bản và đặc biệt có thể làm ra sản phẩm tốt bằng hoặc hơn cả quảng cáo.

Nhóm doanh nghiệp BĐS Việt Nam tham gia phát triển các dự án cao cấp tại Tp.HCM rơi vào những công ty có thương hiệu lớn, đã niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc có sự hậu thuẫn từ các đối tác chiến lược, thậm chí là quỹ đầu tư quốc tế (mua cổ phần, trái phiếu chuyển đổi). Nhóm doanh nghiệp trong nước có thế mạnh là nắm rõ thủ tục pháp lý, tiếp cận quỹ đất hiệu quả nhờ am hiểu chính sách.

Theo đánh giá của DKRA, cuộc đua của hai khối nội – ngoại đang khiến thị trường căn hộ cao cấp Tp.HCM phân hóa ngày càng mạnh mẽ, giúp rổ hàng hóa trở nên đa dạng, phong phú hơn. Căn hộ cao cấp của khối nội thường có vị trí đắc địa trong khi sản phẩm của khối ngoại tọa lạc ở những khu vực đầy tiềm năng, có thiết kế độc đáo, cảnh quan đẹp.

DKRA cho rằng có 5 yếu tố quan trọng đóng vai trò quyết định sự thành bại của doanh nghiệp ở phân khúc này, cụ thể: Nhiều kinh nghiệm phát triển dự án, nguồn vốn mạnh, thiết kế kiến trúc độc đáo, chính sách bán hàng hiệu quả và minh bạch trong quản lý.

Mặc dù các nhà phát triển BĐS ngoại có ưu thế khá toàn diện nhưng còn khiếm khuyết ở kênh phân phối. Trong khi đó, khối nội lại thường gặp khó khăn trong vấn đề thu xếp dòng vốn dài hạn, minh bạch trong quản lý. Nhưng trong nửa đầu năm 2017, nhiều đại gia Việt đã liên kết với quỹ đầu tư ngoại để huy động vốn rẻ, niêm yết để tiếp cận vốn từ thị trường chứng khoán dễ hơn. Các doanh nghiệp trong nước có thể lôi kéo đối tác nước ngoài để phát triển dự án dựa trên thế mạnh quỹ đất dồi dào.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA đánh giá, cuộc đua giữa khối nội và khối ngoại trên thị trường căn hộ cao cấp vẫn đang ở giai đoạn gay cấn nhưng theo chiều hướng tích cực.

Theo tổng giám đốc DKRA, điều thú vị ở cuộc so găng này là cục diện ngày càng trở nên cân bằng hơn. Trong những năm 2015 trở về trước, thị phần căn hộ cao cấp của các doanh nghiệp Việt Nam có phần lép vế so với khối ngoại. Tuy nhiên, hiện nay ranh giới phân biệt dự án của nhà đầu tư nội - ngoại không còn nhiều. Thậm chí, xu hướng giao thoa, liên kết, hợp tác giữa khối nội và khối ngoại càng thúc đẩy phân khúc căn hộ cao cấp phát triển toàn diện hơn.

"Cuộc đua chưa phân định thắng - thua và các đối thủ vẫn đang hào hứng tiến về phía trước nhưng một thực tế rõ ràng nhất là đằng sau sự cạnh tranh này, người thắng chính là khách hàng", ông Lâm nhận định.