Tp.HCM hiện có trên 2.000 doanh nghiệp, công ty đặt trụ sở văn phòng tại các căn hộ chung cư. Mặc dù đã có thông báo của Sở Kế hoạch – Đầu tư thành phố về yêu cầu các doanh nghiệp phải di dời trụ sở đặt trong chung cư, nhưng đến nay rất ít doanh nghiệp chấp hành.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, một số chung cư cũ ở quận 1 hiện vẫn đang trưng bảng hiệu, hoạt động kinh doanh hàng quán ăn uống hoặc bán quần áo vẫn diễn ra tấp nập. Đơn cử, chung cư số 42 Nguyễn Huệ (quận 1) có 9 tầng dành cho khoảng 100 hộ dân sinh sống nhưng hiện nay, số dân sinh sống thường xuyên tại đây chưa đến 10 hộ.
Phần lớn các căn hộ phía mặt tiền chung cư đều cho thuê làm nơi kinh doanh. Vì là mặt bằng nằm tại trung tâm thành phố, nên lượng khách ra vào chung cư này rất đông, hoạt động kinh doanh thường diễn ra tới tận khuya. Điều này gây nên không ít phiền toái cho các gia đình sinh sống tại đây.
Chung cư 42 Nguyễn Huệ, Tp.HCM vẫn đang có nhiều hộ kinh doanh
Theo bà Bùi Thị Thía, đại diện Ban quản trị chung cư 42 Nguyễn Huệ, Tp.HCM, hoạt động kinh doang tại chung cư gây khó khăn cho các hộ dân đang sống ở đây. Lượng khách ra vào đông đúc cũng tạo ra sự phức tạp và ồn ào, đồng thời ảnh hưởng đến việc tiêu thu điện, nước của tòa nhà…
Đã nhiều lần một số hộ kinh doanh tại chung cư này phản ứng gay gắt trước quyết định của thành phố, bởi đã thuê địa điểm kinh doanh tại đây ổn định từ nhiều năm với số tiền bỏ ra tương đối lớn để đầu tư vào cơ sở vật chất. Nếu buộc phải di dời sẽ gây ra thiệt hại lớn cho hộ kinh doanh vì họ không còn nguồn thu nào khác.
Còn theo bà Phạm Vũ Thuận Trang, Công ty CP Người sáng tạo, đường Nguyễn Huệ, Tp.HCM thì một khi đã thuê văn phòng tại chung cư, doanh nghiệp không thể thu hồi được vốn và di dời, tìm được địa điểm kinh doanh thích hợp trong khoảng thời gian ngắn. Bà Trang cũng đề nghị các cơ quan có trách nhiệm hỗ trợ cũng như đưa ra lộ trình cụ thể.
Điều đáng nói là hiện tại quy định cấm văn phòng, hộ kinh doanh hoạt động tại chung cư đã có hiệu lực, nhưng lại chưa có chế tài xử phạt với trường hợp vi phạm. Do đó nhiều căn hộ chung cư không cần đăng ký, nhưng vẫn hoạt động kinh doanh và đương nhiên phía cơ quan chức năng không thể kiểm soát được.
Chủ đầu tư một chung cư hiện đang có nhiều căn hộ dùng làm văn phòng công ty cho rằng rất khó cấm người dân dùng căn hộ làm nơi kinh doanh, cho thuê mở văn phòng bởi chủ đầu tư đã bán nhà cho người dân, người dân có quyền sở hữu tài sản của mình nên họ muốn làm gì chủ đầu tư không thể cấm cản được.
Ở góc độ luật pháp, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Đoàn Luật sư Tp.HCM, cho rằng nhu cầu sử dụng dịch vụ trong các chung cư, cũng như nhu cầu cho thuê mặt bằng chung cư rất lớn. Theo ông Hưng, cơ quan quản lý cần rà soát lại các chung cư, nếu chung cư nào không còn công năng sử dụng vào mục đích sinh thì nên tạo điều kiện chuyển đổi thành văn phòng hoặc nơi kinh doanh.
“Có những chung cư không còn giá trị sử dụng, người dân đã chuyển đi nhưng lại có vị trí thuận lợi phục vụ cho việc kinh doanh, thì thành phố có nên tạo điều kiện cho thuê nếu không ảnh hưởng tới an ninh trật tự cũng như kết cấu kỹ thuật của công trình”, Luật sư Hưng nêu ý kiến.
Đồng quan điểmn trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM nhận xét, nếu hoạt động của doanh nghiệp chỉ mang tính chất giao dịch giấy tờ thì việc mở văn phòng tại chung cư giúp tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có.