Căn hộ - văn phòng (officetel) là loại hình BĐS mới tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM. Đây là phân khúc thu hút sự quan tâm của thị trường và trở thành một xu hướng đầu tư mới. Theo khảo sát sơ bộ tại thị trường Tp.HCM đã có khoảng 40 – 50 dự án phát triển theo mô hình này với nhiều CĐT lớn tham gia. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước chưa chính thức công nhận loại hình BĐS này.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết: “Sự ra đời của mô hình căn hộ - văn phòng (officetel) phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Mô hình officetel nở rộ góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của chính phủ. Do đó, theo ông Nam, cần có những quy định rõ ràng về khung pháp lý cho phân khúc này. Cụ thể, nhà nước cần xây dựng được tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng cho loại hình căn hộ - văn phòng (vừa ở, vừa kinh doanh) phù hợp với hoạt động mua bán. Ngoài ra, đối với một tòa nhà chung cư đa năng thì khung pháp lý cần khống chế diện tích loại hình căn hộ - văn phòng từ 10 – 15%/tòa nhà.
Hội thảo thảo luận những vấn đề liên quan đến pháp lý, nhu cầu
phát triển loại hình căn hộ - văn phòng ( officetel)
Theo PGS.TS Trần Kim Chung - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, officetel là một giải pháp mới cho thị trường BĐS. Ưu điểm của loại hình này là tăng khả năng thanh khoản, tăng nguồn cầu và cung, kích thích NĐT. Nhà nước cần “trải thảm đỏ” để officetel phát triển bằng cách sớm hoàn thiện khung pháp lý. “Phải để loại hình này có vị thế ngang với nhà, đất, căn hộ chung cư, văn phòng cho thuê. Để có khung pháp lý dành cho loại hình này cần có sự kết hợp, vào cuộc của tất cả các bộ, ngành…”, ông Chung nhấn mạnh.
Trao đổi về khái niệm và thời hạn sở hữu officetel, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Loại hình officetel này chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình không phải nhà ở và không được đăng ký hộ khẩu thường trú. Như vậy, căn hộ officetel tương đối giống với chung cư truyền thống. Theo đó, bà Nhung khẳng định, loại hình này cần được điều chỉnh theo một cách khác. Cụ thể, nếu như phần lớn căn hộ được dùng làm nơi cư trú, BĐS đó sẽ được xếp vào loại Residential Facilities (nơi cư trú). Ngược lại nếu phần lớn diện tích được dùng vào mục đích kinh doanh, BĐS được xếp loại Non – residential Facilities (nơi không phải để cư trú). Nhờ sự rạch ròi này các nhà quản lý dễ dàng quản lý và áp dụng các quy phạm pháp luật đối với BĐS đa chức năng".
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục quản lý nhà cho hay: "Để hoàn thiện được khung pháp lý và đưa ra khái niệm hoàn chỉnh về phân khúc căn hộ - văn phòng (officetel) cần có thời gian và lộ trình cụ thể. Theo ông Khởi, Cục quản lý nhà sẽ cố gắng sớm đưa ra các văn bản, Thông tư chỉ đạo để hỗ trợ các NĐT triển khai dự án. Để có thể hoàn chỉnh khung pháp lý cho loại hình này cần thời gian ít nhất là 3 năm vì các cơ quan chức năng phải xem xét rất nhiều yếu tố liên quan như: Tính pháp lý? xây dựng theo tiêu chuẩn nào? Kết cấu giao thông ra sao? Khu đất đai quy hoạch chung cư đa chức năng…? Cùng hàng loạt vấn đề kéo theo sau đó".
Theo số liệu của Cushman & Wakefield, dòng sản phẩm Officetel phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty mới khởi nghiệp; các công ty nước ngoài muốn mở văn phòng đại diện; các chuyên gia nước ngoài làm việc lâu dài tại Việt Nam... Hiện đa phần các dự án Officetel có khoảng 40% khách hàng là những công ty khởi nghiệp và công ty có nhu cầu mở văn phòng đại diện, 10 - 15% khách mua có nhu cầu ở thực còn lại là khách mua để đầu tư cho thuê lại.