Một số dự án có sai phạm Đoàn thanh tra liên ngành chỉ ra như: Dự án khu nhà ở Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) do Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà số 68 làm chủ đầu tư mắc 4 vi phạm gồm: Chưa nộp đủ tiền chênh lệch giữa giá thành và giá trị xây dựng đối với 46 căn thấp tầng (theo số tiền tạm tính của cục thuế); chưa được nghiệm thu tổng thể PCCC; tự ý bán 10 căn hộ cho quỹ đầu tư phát triển khi chưa được UBND TP Hà Nội chấp thuận; chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và tự điều chỉnh tăng số lượng căn hộ cao tầng.
Dự án Skylight 125D Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) do Tổng công ty cơ khí xây dựng làm chủ đầu tư, đã tăng số lượng căn hộ các tầng; chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính tiền chênh lệch giữa giá bán và giá thành xây dựng đối với quỹ nhà 20%; sử dụng tầng áp mái sai mục đích. Chung cư số 143, ngõ 85 Hạ Đình (quận Thanh Xuân) do Tổng công ty tài nguyên và môi trường Việt Nam và Công ty CP đầu tư 135 làm chủ đầu tư đã tự ý xây tăng hàng chục căn hộ; xây dựng 4 căn hộ thông tầng 20 lên 21; xây dựng tầng 22 không có trong giấy phép xây dựng; dự án đưa vào sử dụng khi chưa được phê duyệt nghiệm thu PCCC.
Trong khi đó, khu chung cư và thương mại dịch vụ hỗn hợp Capitaland Hoàng Thành (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) do Công ty TNHH Capitaland Hoàng Thành làm chủ đầu tư bị kết luận chưa làm thủ tục xác định và nộp nghĩa vụ tài chính đối với số căn hộ được điều chỉnh tăng thêm (từ 992 lên 1.478 căn). Tính đến thời điểm thanh tra, Công ty TNHH Capitaland Hoàng Thành vẫn chưa nộp phí xây dựng theo kết luận 10660 do Sở Xây dựng ban hành tháng 12/2014.
Dự án Sakura Tower 47 Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân), chủ đầu tư xây tăng 2 tầng so với giấy phép xây dựng; dự án đưa vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu PCCC.
Đoàn liên ngành nhấn mạnh, những vi phạm của các doanh nghiệp đều diễn ra công khai, quy mô lớn. Chính quyền cùng các đơn vị chức năng được giao nhiệm vụ giám sát đã không phát hiện và xử lý kịp thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng bán đi số căn hộ vi phạm. Các căn hộ dân đã vào ở không dễ cưỡng chế, chủ đầu tư có thể “hợp pháp hóa” vi phạm, trong khi vẫn có thể thu lợi.
Vì vậy, đoàn thanh tra liên ngành đề xuất UBND TP. Hà Nội áp dụng những biện pháp cứng rắn đối với các chủ đầu tư vi phạm, nhất là những doanh nghiệp nhiều lần chây ì, không thực hiện biện pháp khắc phục theo chỉ đạo của cơ quan chức năng.
Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày UBND TP. Hà Nội chỉ đạo phương án xử lý vi phạm, nếu chủ đầu tư chưa thực hiện thì Sở Xây dựng sẽ chủ trì đề xuất phong tỏa tài khoản tại ngân hàng đối với chủ đầu tư; đồng thời thu hồi quỹ nhà còn lại phục vụ việc xử lý; không giao đất thực hiện dự án trên địa bàn TP. Hà Nội và thông báo tên trên phạm vi cả nước.