Theo ông Phi, tháng 3/2009, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin (nay là SBIC) được tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án KCN Nam Cam Ranh với diện tích 203 ha nằm ở vị trí đắc địa bên vịnh Cam Ranh thuộc xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh. Vinashin cam kết, dự án sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng KCN hỗn hợp với tổng mức đầu tư 980 tỷ đồng, đưa vào hoạt động từ cuối năm 2011. Nhưng từ khi được cấp đến nay, Vinashin không hề triển khai bất cứ hạng mục gì.
Từ tháng 6/2011, tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong thu hồi dự án của Vinashin do năng lực chủ đầu tư không đảm bảo tiến độ. Sau đó, Bộ GTVT có nhiều văn bản đề nghị tỉnh Khánh Hòa chưa thu hồi.
Được biết, văn phòng Chính phủ đã có công văn đề nghị tỉnh Khánh Hòa chưa thu hồi để Vinashin có điều kiện tái cơ cấu. Sau khi tái cơ cấu thành SBIC thì đơn vị này cũng ít khi động tĩnh đến dự án này.
Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh Khánh Hòa đã 4 lần kiến nghị Thủ tướng cho chấm dứt, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án đối với SBIC. Tuy nhiên, trong các lần này, Bộ GTVT đều xin cho SBIC thêm cơ hội để thực hiện các giải pháp tái cơ cấu Vinashin.
Sống trong vùng dự án “treo” 8 năm nay, người dân xã Cam Thịnh Đông, TP.
Cam Ranh không được xây dựng nhà cửa. Ảnh: CTV
Đầu tháng 1/2017, Bộ KH&ĐT có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị báo cáo Thủ tướng. Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương phối hợp với Bộ KH&ĐT để xử lý.
Ngày 28/2, tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay, SBIC đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa chưa thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án trên để SBIC đàm phán với một doanh nghiệp ở Hà Nội triển khai dự án tổ hợp nhà máy điện mặt trời trên diện tích của KCN Nam Cam Ranh.
Ông Hoàng Đình Phi cho biết, đến nay SBIC chưa có văn bản đề nghị tỉnh Khánh Hòa cho làm dự án điện mặt trời trên diện tích KCN Nam Cam Ranh. Nếu xin làm nhà máy điện mặt trời thì khác mục tiêu của dự án. UBND tỉnh không chấp nhận việc sửa hay đổi giấy chứng nhận đầu tư. Diện tích đó rất thuận lợi nên ưu tiên cho các dự án sản xuất công nghiệp, tạo nhiều việc làm chứ không thể làm điện mặt trời. Giám đốc Sở KH&ĐT ông Trần Hòa Nam khẳng định, nếu SBIC xin làm dự án điện mặt trời, UBND tỉnh dứt khoát không cho vì không nằm trong quy hoạch của tỉnh.
Cũng theo ông Phi, 8 năm nay, dù không triển khai gì nhưng SBIC luôn tìm cách cố níu giữ lại dự án này do lợi thế của khu đất. Trong khi đó, khu đất này có vị trí đắc địa để tỉnh thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp khác nhau, góp phần giải quyết việc làm. Thời gian gần đây, có một số nhà đầu tư có năng lực đăng ký đầu tư hạ tầng KCN này. Vì vậy, tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của SBIC để giao cho nhà đầu tư khác có năng lực tài chính và có kinh nghiệm hơn.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh cho rằng, việc SBIC không triển khai dự án đã hạn chế sự phát triển của cả khu vực Cam Ranh.
Trước kiến nghị của tỉnh Khánh Hòa, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định, tỉnh Khánh Hòa đã “dễ dãi” khi để dự án bị “treo” đến nay mà chưa thu hồi. Ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, cũng đồng tình với quan điểm này.