Thị trường

Doanh nghiệp mong tăng biên lợi nhuận nhà ở xã hội

04/03/2017

Vấn đề chi phí và lợi nhuận luôn là bài toán khiến các DN BĐS đau đầu. Nhiều DN cho rằng, để NOXH hấp dẫn giới đầu tư, Nhà nước cần có định mức lợi nhuận cao hơn hiện tại. Sự thay đổi nếu xảy ra sẽ giúp các DN dài hơi hơn trong cuộc đua làm NOXH.

Hiện nay, các chủ đầu tư (CĐT) chỉ được hưởng 10% lợi nhuận biên khi làm NOXH. Quy định này của Nhà nước nhằm đưa tới tay người tiêu dùng sản phẩm giá thành thấp nhất. Nhưng chính điều này lại là rào cản lớn đối với DN BĐS. Phát biểu trước báo giới, ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây Dựng cho rằng: “Việc quy định “đổ đồng” DN chỉ được hưởng lợi nhuận 10% trong dự án NOXH có nhiều điểm hạn chế. Theo ông Nam, quy định này không khuyến khích các DN BĐS tính toán làm sao hạ thấp giá thành sản phẩm vì ở mức giá nào, dù 6 hay 8 triệu thì lợi nhuận cũng như nhau. Chính những quy định chưa rõ ràng về chính sách đã khiến việc triển khai NOXH gặp không ít khó khăn”.

Lợi nhuận thấp sẽ khiến DN “hết” động lực triển khai dự án NOXH. Ảnh: Minh họa  

Theo đại diện Công ty Địa ốc Hoàng Quân, DN triển khai 18 dự án NOXH với gần 7.000 căn hộ tại Tp.HCM thì lợi nhuận khi đầu tư vào dự án NOXH là câu chuyện đau đầu của DN suốt thời gian qua. Tại một cuộc gặp gần đây với lãnh đạo Tp.HCM, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Hoàng Quân chia sẻ: "DN rất ủng hộ chủ trương phát triển NOXH và nhà thương mại giá rẻ của TP nhưng với mức lợi nhuận thu về như hiện nay là quá thấp”. Theo ông Tuấn, Nhà nước cần đưa ra định mức lợi nhuận cao hơn ở phân khúc này để DN có tinh thần làm nhiều dự án phục vụ an sinh xã hội.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Nam Long cho biết: “Phải có công thức tính toán rõ ràng về các chi phí phân bổ cho dự án NOXH, từ đó mới tính ra giá bán sản phẩm cho loại hình BĐS này. Nếu cứ làm theo mức giá áp chung như hiện nay, nhiều DN BĐS chỉ “lấy công làm lời”. Lợi nhuận không lớn sẽ khiến DN “hết” động lực triển khai dự án.

Biên lợi nhuận thấp của NOXH sẽ khiến những DN tiềm lực tài chính nhỏ, không đủ sức chống chọi với lãi suất vay, không có tiền để PR, quảng cáo rầm rộ sản phẩm… Sản phẩm sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành bày tỏ quan điểm: “Lợi nhuận làm NOXH thấp trong khi giá xây dựng cao. Với giải pháp kỹ thuật xây dựng kết cấu nhiều cột trong căn hộ như hiện nay thì DN không thể có lời hoặc lời rất thấp”. Ông Nghĩa nhấn mạnh: “DN mới chỉ hoàn thành phần thô chi phí đã là 5 triệu đồng/m2. Nếu giảm khối cột trong xây dựng để có lời thì lại ảnh hưởng đến chất lượng căn hộ, người mua không chấp nhận. Vì thế, tính toán chi phí và lợi nhuận, DN làm nhà giá rẻ thu lợi chẳng là bao”.

Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM Lê Hoàng Châu, từ nay đến năm 2020, TP sẽ triển khai 45 dự án với quy mô 45.000 căn hộ. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có 30.000 căn nhà giá rẻ đi vào sử dụng, trong đó 20% dành để cho thuê, 60% căn hộ để bán trả góp dài hạn, 20% căn hộ dành cho CĐT bán thương mại để bù đắp chi phí. Theo ông Châu, phát triển NOXH phục vụ an sinh xã hội nhưng phải đảm bảo được yếu tố lợi nhuận để các DN yên tâm triển khai.

Bí Thư Thành Uỷ Đinh La Thăng cho rằng, để giá NOXH rơi vào mức 4-5 triệu đồng/m2 (khoảng 400 – 500 triệu đồng/căn) thì Nhà nước phải chịu toàn bộ chi phí về đất đai, DN chỉ cần tập trung xây dựng.