Thị trường

Diện mạo nào cho một đô thị chuẩn

01/03/2017

PGS.TS.KTS Phạm Thuý Loan, viện phó Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) đã có những trao đổi thú vị với khán giả của chương trình Reading Circle xung quanh chủ đề “Diện mạo nào cho một đô thị đáng sống?” diễn ra vào cuối tháng 2 tại Hà Nội. PV Batdongsan.com.vn lược ghi một số nội dung chính của cuộc trao đổi.

PGS.TS.KTS Phạm Thuý Loan chia sẻ tại Reading Circle (Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô)

- Thiết kế đô thị (TKĐT) là một khái niệm trừu tượng. Những "người ngoại đạo" nên hiểu về TKĐT như thế nào?

Tôi muốn sử dụng định nghĩa trong cuốn “Public places – Urban spaces, the dimensions of urban design” để trả lời câu hỏi này. Theo cuốn sách, thiết kế đô thị là quá trình kiến tạo các nơi chốn có chất lượng cho con người. TKĐT lấy không gian công cộng của đô thị làm đối tượng nghiên cứu chính. Nó là một quá trình mà con người luôn được đặt ở trung tâm. Quá trình này bị chi phối bởi bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội. Vai trò, ý nghĩa của TKĐT là nâng cao chất lượng môi trường không gian. Tìm hiểu nội hàm của khái niệm TKĐT là chúng ta tiệm cận đến 2 câu hỏi: “Thế nào là không gian đô thị có chất lượng? Thế nào là một thành phố đáng sống?”

- Như bà nói, TKĐT lấy không gian công cộng của đô thị làm đối tượng nghiên cứu chính. Vậy điều gì làm nên chất lượng của không gian công cộng?

Đã có rất nhiều nghiên cứu xoay quanh vấn đề này. Mỗi nghiên cứu đưa ra bộ tiêu chí chất lượng khác nhau. Một số tiêu chí cơ bản là: an toàn, tiện nghi, sạch sẽ, hữu dụng (công năng), đẹp mắt (thẩm mỹ), dành cho mọi người (xã hội), được quản lý tốt và đáng nhớ (hồn nơi chốn, bản sắc). Tất nhiên, mỗi người có thể đưa ra những tiêu chí cho riêng mình trong quá trình kiến tạo thành phố. Chúng ta có thể sáng tạo ra những tiêu chí cao hơn nữa.

- Chúng ta sẽ cùng nói về một không gian công cộng nổi tiếng bậc nhất của Hà Nội là Hồ Gươm. Hà Nội đã có nhiều dự án cải tạo không gian này. Gần đây nhất là lát đá Hồ Gươm. Bà nghĩ sao về dự án này?

Cá nhân tôi không thích dự án này. Dự án biến Hà Nội thành không gian công cộng vào cuối tuần với phố đi bộ gây nhiều hứng thú cho tôi hơn. Việc lát đá có thể cải thiện chút ít về mặt vật thể. Nó không quan trọng bằng việc tạo ra một sân chơi chung được nhiều người yêu mến. Điều quan trọng của một không gian là không gian đó có thể đóng góp được nhiều hơn nữa cho đời sống tinh thần, thể chất của người dân thành phố.

Không gian Hồ Gươm chẳng hề tệ đến mức phải lát đá lại. Nếu như lát lại thì cần cẩn trọng. Bởi Hồ Gươm hàm chứa yếu tố lịch sử của không gian. Các không gian công cộng  khi cải thiện cần cân nhắc các vật liệu, chi tiết có chức năng thay thế, bổ sung. Những vật liệu, chi tiết này phải phù hợp với bối cảnh lịch sử của không gian lịch sử đấy.

- Một không gian khác mang bản sắc Hà Nội là nhà tập thể cũ. Những khu tập thể của Việt Nam được người Pháp đánh giá cao. Thậm chí, một vài nơi trên thế giới đã đưa khu tập thể cũ thành bộ mặt của Hà Nội. Quá trình đô thị hoá đang “thôn tính” những khu tập thể cũ. Bà nghĩ sao về thực trạng này?

Điều khiến các chuyên gia Pháp đánh giá cao khu tập thể của Việt Nam chính là hình thái không gian của các khu tập thể. Nhà tập thể cao không quá 5 tầng, có hàng lang chung, cầu thang chung, sân chơi chung. Nó cho phép những cư dân sống ở đó có cơ hội giao lưu chặt chẽ với nhau. Quá trình tương tác giữa các cư dân ở khu tập thể vô hình chung tạo nên những cộng đồng. Những toà nhà chung cư hiện nay cũng có hành lang chung, thang máy và sân chung nhưng không gian đó bị “khoá” bởi những dãy nhà kín và cao tầng.

Bản chất của kiến tạo thành phố không phải là kiến tạo ra các khối vật chất vô hồn mà là kiến tạo xã hội. Mà kiến tạo xã hội tức là kiến tạo những cộng đồng dân cư có sự yêu thương, chia sẻ, đồng lòng và đấu tranh. Đấy mới là đích của quy hoạch và TKĐT.