Thị trường

Đầu năm, đất nền khu Đông tiếp tục tăng giá

21/03/2017

Theo khảo sát , trong các quý đầu năm 2017, các nền đất thổ cư tại các KDC mới/hiện hữu Q.2, Q.9 tăng giá từ 100 – 150 triệu đồng. Ghi nhận mức tăng cao ở các dự án KDC đã có sổ hồng riêng. Dạo quanh các KDC tại các tuyến đường Nguyễn Duy Trinh (Q.2), Lã Xuân Oai, Lò Lu, Đỗ Xuân Hợp, Long Thuận (Q.9)… giá tăng bình quân một nền đất (tính cả chi phí môi giới) là 50 triệu đồng/nền/tháng.

Tại dự án KDC Phúc Long, KDC Việt Nhân (P.Long Trường, Q.9) hiện không còn nền đất bán giá dưới 1 tỷ đồng. Trước đó, khoảng tháng 12/2016 các nền tại đây vẫn rao giá từ 820 – 850 triệu đồng/nền/diện tích 50m2. Đến đầu quý I/2017, giá đã tăng lên 1 – 1.150 tỷ đồng/nền cùng diện tích. Thậm chí, những nền đất có vị trí gần khuôn viên xây xanh, 2 mặt tiền giá đã chênh từ 200 – 250 triệu đồng/nền trong vòng 1 – 2 tháng.

Theo nhận định của các DN, đất tăng giá nghĩa là dòng tiền đang
xoay chuyển và chảy vào túi của các NĐT thứ cấp. Ảnh: Phương Nga 

Hiện tượng giá tăng đầu năm cũng lan rộng đến các KDC, đất lẻ thuộc khu vực xa xôi của Q.9 như P.Long Bình, P.Long Phước, P.Long Thạnh Mỹ. Các nền đất thuộc KDC P.Long Phước giá đã tăng xấp xỉ 50% so với thời điểm tháng 10/2016. Cụ thể, một nền đất tại KDC Làng Đại học mới Q.9 (đường Long Phước, P.Long Phước) có giá bán khoảng 520 triệu đồng/nền/50m2 (tháng 9/2016), hiện nay, nền cùng diện tích bán ra 830 triệu đồng. Mặc dù giá tăng cao nhưng người mua cũng không còn nhiều sự lựa chọn vì hết đất. Được biết, thông tin nhiều NĐT đổ về đây gom đất phân nền cũng khiến giá trị thực của phân khúc này bị đẩy lên.

Tìm hiểu tại các dự án KDC thuộc đường Nguyễn Duy Trinh (Q.2) tình trạng tăng giá bán diễn ra tương tự. Do quỹ đất triển khai KDC tại đây đang dần khan hiếm là nguyên nhân khiến thị trường thứ cấp “bội thu”. Việc NĐT mua đi bán lại nền đất hưởng chênh từ 200 – 400 triệu đồng (6 - 12 tháng) là câu chuyện bình thường tại đây. Chưa kể, các nền có vị trí mặt tiền đường lớn, giá bán đã tăng gấp 2 – 3 lần từ sau Tết Nguyên Đán.

Được biết, đất nền khu Đông Tp.HCM rục rịch tăng giá bán cách đây hơn 1 năm. Ghi nhận tại các KDC, giá tăng mạnh nhất kể từ quý III/2016 trở đi. Một số dự án giá bán trong quý III/2016 là 14.5-15 triệu đồng/m2 đến quý I/2017 giá đã tăng lên 19-24 triệu đồng/m2. Cụ thể đất KDC tại đường Lò Lu (Q.9), thời điểm tháng 11/2016 chào bán từ 18-19 triệu đồng/m2, đến tháng 3/2017 giá đã tăng ở ngưỡng 23-24 triệu đồng/m2. Dự án tại đường Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh (Q.2), giá bán trước Tết khoảng 24-25 triệu đồng/m2, đến nay giá đã ở mức 27-30  triệu đồng/m2 (tùy vị trí). Hạ tầng kết nối hoàn thiện, CĐT lớn đổ về vùng ven làm dự án, kinh tế vĩ mô ổn định… là các yếu tố khiến giá đất nền khu Đông tăng rõ nét từ đầu năm 2016 đến nay.

Theo khảo sát của PV, hoạt động đầu tư thứ cấp diễn ra nhộn nhịp tại các dự án KDC đã có sổ hồng riêng từng nền. Những nền đất tăng giá chủ yếu đến từ loại hình này. Nhu cầu mua đất xây nhà ở của dân tỉnh lẻ cùng với tâm lý chuộng đất đã có sổ khiến đất nền luôn “đắt” khách mua. Đặc biệt, các dự án tọa lạc gần các tuyến đường được kết nối giao thông thuận tiện với cao tốc Long Thành – Dầu Giây – Tp.HCM,  Mai Chí Thọ, Xa lộ Hà Nội… ghi nhận giá đất lên nhanh và nguồn cung không đáp ứng đủ cầu. Theo tìm hiểu của PV, tại các tuyến đường như Lê Văn Việt (Q.9), Kha Vạn Cân, Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức) không còn đất nền để bán. Ngay cả những nền vị trí hẻm, đường nhỏ cũng tăng giá cao và bị săn đón bởi người mua ở lẫn NĐT thứ cấp.

Tuy nhiên, hiện tượng giá đất nền liên tiếp từ năm 2016 đến đầu năm 2017 đã và đang khiến những NĐT và người mua lo lắng.

Chia sẻ với PV Batdongsan.com.vn, ông Lương Phạm, GĐ kinh doanh của một công ty BĐS có trụ sở tại Q.3 cho biết, đây là giai đoạn “đỉnh điểm” của phân khúc đất nền khu Đông. Hiện tượng “sốt” hiện nay tựa như thời kỳ hoàng kim của BĐS Việt Nam những năm 2007, 2008. Chắc chắn sau giai đoạn này thị trường sẽ theo chiều mũi tên đi xuống đúng như chu kỳ phát triển của nó. “Tuy nhiên, tôi nghĩ sức nóng đất nền còn kéo dài vài năm nữa. Vì thế, NĐT có đất nên cân nhắc thời điểm/ cơ hội để bán ra chốt lời”, ông Lương khẳng định. Áp lực về tài chính đối với người mua ở cũng tăng lên vì đất tăng giá. Nếu 1 – 1.5 năm về trước, có trong tay khoảng 600 – 800 triệu đồng người mua có thể sở hữu nền đất mặt tiền khu Đông thì hiện nay với số tiền này, khách hàng không thể mua được đất tại đây. Đất có đang sốt ảo? NĐT thổi giá, kê chênh hay trục lợi riêng?…là những nghi ngại thị trường BĐS đang đặt ra cho phân khúc này thời gian gần đây.