Thị trường

Đất thổ cư Đông Anh thiết lập mặt bằng giá mới

19/05/2017

Giai đoạn 2010-2011 là thời kỳ “hoàng kim” của đất thổ cư Đông Anh. Chỉ trong vòng 1 năm, nhiều mảnh đất ở Vĩnh Ngọc, Đông Hội, Hải Bối có mức tăng lên tới 80-90%, thậm chí 120%. Tuy nhiên, những năm 2012-2013, khi thị trường trầm lắng, giao dịch đất thổ cư nơi đây cũng đóng băng. Thế nhưng, 3 năm kế tiếp (từ 2014 đến đầu năm 2017), đất thổ cư Đông Anh chứng kiến 2 đợt tăng giá mới.

Nguyên nhân của 2 đợt tăng giá đều bắt nguồn từ cú hích hạ tầng, thông tin quy hoạch và sự hiện diện của các dự án bất động sản đình đám ở khu vực.

Cuộc tăng giá thứ nhất diễn ra vào thời điểm 2014-2015. Giai đoạn này, hàng loạt công trình giao thông quan trọng ở Đông Anh đi vào vận hành. Cụ thể, cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù chính thức thông xe, nhà ga T2, tuyến đường 5 kéo dài được hoàn thiện. Những biến đổi tích cực của hạ tầng giao thông khiến đất thổ cư Đông Anh tăng giá. Tuy nhiên, mức tăng không chóng mặt như giai đoạn 2010-2011 mà dao động từ 10-15% (tương đương từ 3-7 triệu đồng/m2) so với thời điểm năm 2013. Những lô đất mặt tiền đoạn lên cầu Nhật Tân đắt đỏ nhất với giá 60-70 triệu đồng/m2. Đất trong ngõ rộng (3-4 m) ở Vĩnh Ngọc, Đông Hội, được chào giá từ 17-20 triệu đồng/m2.  “Tàn tích” từ cuộc bơm giá, thổi giá trước đó của giới đầu cơ khiến giai đoạn này, đất thổ cư chỉ tăng nhẹ. Thị trường chưa thực sự khởi sắc. 

Nếu cú hích hạ tầng giao thông “phá băng” thị trường đất thổ cư Đông Anh, khiến giao dịch và giá đất nơi đây có sự chuyển biến nhẹ thì chỉ hơn 1 năm sau đó, lộ trình quy hoạch và thông tin về các siêu dự án của các ông lớn bất động sản trở thành chất xúc tác khiến đất thổ cư Đông Anh “bùng nổ” về giá.

Những mảnh đất có mặt tiền giáp với trục cầu Nhật Tân giá tăng 60-70%

Đợt tăng giá thứ 2 diễn ra từ đầu năm 2016 đến thời điểm hiện tại. Tháng 6/2016, Hà Nội chính thức công bố Đồ án Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài. Theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ định hướng phát triển khu vực Bắc sông Hồng trở thành Trung tâm hành chính thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, phát triển đô thị hiện đại. Đồ án cũng xác định Nhật Tân - Nội Bài là trục động lực chính trong việc hình thành và phát triển đô thị Bắc sông Hồng, có vai trò kết nối giao thông khu trung tâm Thủ đô với không gian cửa ngõ thành phố, với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Cũng trong năm 2016, hàng loạt đại gia ngành bất động sản như Sun Group, Vin group, BRG, Becamex ITC đổ vốn vào Đông Anh với các công trình có quy mô như Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia lớn nhất châu Á của Vingroup tại xã Đông Hội; siêu dự án công viên “Disneyland” (dự án công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy) của Sungroup tại xã Vĩnh Ngọc, xã Tiên Dương; công viên công nghệ phần mềm của Becamex ITC tại xã Tiên Dương, xã Nguyên Khê. Giá đất thổ cư Đông Anh bắt đầu tăng mạnh khi các công trình trên được động thổ. Đất tại các xã có các dự án nghìn tỷ tọa lạc như Tiên Dương, Nguyên Khê, Đông Hội, Vĩnh Ngọc đồng loạt tăng giá.

Theo ghi nhận của PV Batdongsan.com.vn, từ đầu năm 2016 đến nay, đất thổ cư Đông Anh liên tục tăng giá. Mức tăng mạnh nhất lên tới 60-70% thuộc về các lô đất đẹp có mặt tiền đường lớn, có thể kinh doanh được. Các lô đất trong làng có mức tăng thấp hơn, dao động từ 15-20%.

Các lô đất trong làng có mức tăng thấp hơn, dao động từ 15-20%

Đến tháng 4/2017, đất tại Đông Hội đã tăng giá từ 30-40% so với đầu năm 2016. Những mảnh đất mặt tiền đường lớn đang được rao bán với giá 32-35 triệu/m2, trong khi giá ở thời điểm giữa năm 2016 là từ 23-25 triệu/m2. Đất tại Lễ Pháp (Tiên Dương), mặt tiền gần công viên Kim Quy có mức tăng 60-70%, từ 14-15 triệu/m2 (đầu năm 2016) lên tới 25-27 triệu/m2 (đầu năm 2017). Tại xã Vĩnh Ngọc, những mảnh đất có mặt tiền giáp với trục cầu Nhật Tân giá tăng 60-70%. Nhiều mảnh đất giữa năm ngoái có giá 40 -50 triệu/m2, đến thời điểm hiện tại đã tăng lên 60 -70 triệu/m2. Cá biệt, đất tại Ngọc Chi (Vĩnh Ngọc), những mảnh đất có vị trí đắc địa, sát cầu Nhật Tân, gần vòng xuyến, giá tăng từ 80 triệu/m2 (cuối năm 2015) lên tới 170 triệu/m2 (đầu năm 2017).

Anh Ngô Quốc Trọng, sàn giao dịch bất động sản Thiên Trường (Đông Anh) cho biết mức tăng “khủng” trên tập trung ở những mảnh đất có vị trí đắc địa: mặt tiền đường lớn, sát cầu Nhật Tân. Trong khi đó, đất trong làng có mức tăng nhẹ từ 15-20% so với thời điểm đầu năm 2016. Nhiều mảnh đất tại thôn Ngọc Giang, Phương Trạch, Vĩnh Thanh (Vĩnh Ngọc) được rao bán từ 20-25 triệu/m2, trong khi thời điểm đầu năm 2016, nhiều mảnh có giá từ 15-17 triệu/m2. Những mảnh đất đẹp, vuông vắn ở Đông Trù, Lại Đà, Đông Ngàn (Đông Hội) được chào bán từ 16-20 triệu/m2, trong khi giá đầu năm ngoái dao động từ 12-14 triệu/m2. 

Cũng là đất trong làng, nhưng những mảnh đất có vị trí ngay sát công viên Kim Quy, công viên phần mềm mức tăng mạnh hơn, từ 30-40%. Đất thổ cư ở Lễ Pháp (Tiên Dương), tăng từ 12-15 triệu/m2 (cuối năm 2015) lến tới 25-27 triệu/m2 (đầu năm 2017), đất đấu giá ở Nguyên Khê tăng từ 8-13 triệu (cuối 2015) lên tới 30-33 triệu/m2 (đầu năm 2017). Đất tại thôn Đại Đà (Đông Hội), tăng từ 8,5 triệu/m2 (cuối năm 2015) lên tới 15 triệu/m2 (đầu năm 2017).

Nhận định về thực tế tăng giá trên, ông Nguyễn Văn Đan (Chủ tịch Liên minh Bất động sản Đông Anh) cho biết giai đoạn 2010-2011, đất thổ cư Đông Anh tăng giá chóng mặt là do cuộc đổ vốn của giới đầu cơ thì giai đoạn này, ngoài sự tham gia của các nhà đầu tư, thị trường cũng hút mạnh nguồn tiền của người có nhu cầu ở thực.

Ông Đan nhấn mạnh nhu cầu ở thực đang tăng mạnh tại Đông Anh do sự hoàn thiện của hạ tầng giao thông và sự xuất hiện của các công trình tiện ích xã hội, thương mại dịch vụ, công viên vui chơi giải trí… Ngoài ra, các dự án lớn về phân khu đô thị tại Đông Anh đã và đang đẩy mạnh qua trình đô thị hóa, hút nhu cầu ở thực của người dân sinh sống và làm việc ở phía Bắc Hà Nội. Theo ông Đan, trong tương lai, đất thổ cư Đông Anh tiếp tục là một trong những phân khúc tiềm năng của thị trường.