Tại khu vực ngoại ô Tp.HCM như Q.9, Q.2, Q.12, huyện Bình Chánh, các nền đất dự án khu dân cư (KDC) thường được NĐT “xuống tiền” trước khi DN tổ chức lễ mở bán đợt đầu tiên. Đặc biệt, các nền vị trí đẹp như mặt tiền, có vỉa hè, đối diện công viên, gần đường lớn… thường nhanh chóng “hết hàng” và được gửi bán lại trong lễ mở bán. Tuy nhiên, không ít người vẫn nghĩ rằng mình mua được giá gốc. Tại các khu vực nóng sốt, NĐT mua lại nhiều nền trước lễ mở bán và chốt lời ngay tại các buổi lễ này. Các NĐT lướt sóng chủ yếu là quản lý hoặc nhân viên môi giới làm việc tại các công ty bất động sản (BĐS).
Phần lớn các dự án đất nền mở bán giai đoạn đầu đã bị chênh giá từ 30 – 100 triệu đồng/nền (tùy diện tích, vị trí) so với giá gốc. Ngay từ quá trình san lấp mặt bằng, chưa hoàn chỉnh hạ tầng, các nền đất đã có chủ. Do đó, khách có nhu cầu thực gặp nhiều khó khăn khi muốn sở hữu một nền đất có giá gốc/giá rẻ từ CĐT hoặc công ty môi giới. Đa số đều mua lại từ một NĐT khác với giá chênh thấp nhất là 30 – 50 triệu đồng. Những NĐT này thường là người của công ty.
Các nền đất dự án khu dân cư (KDC) thường được NĐT
“xuống tiền” trước khi DN tổ chức lễ mở bán đợt đầu tiên
Nhằm mua được nền giá rẻ, anh Trần Ngọc (sống tại Q.Thủ Đức) rất quan tâm đến các dự án chuẩn bị mở bán hoặc mới mở bán nhưng anh không bao giờ mua được giá gốc mặc dù DN mở bán giai đoạn đầu tiên. “Trước lễ mở bán, các nền có diện tích và giá như nhau. Tuy nhiên, trong lễ mở bán, nếu nhận thấy sức mua lớn, nhiều môi giới tự ý đẩy giá lên thêm 10 – 20 triệu đồng đối với những nền ở vị trí gần khuôn viên, đường lớn…”, anh Ngọc cho biết.
Ngoài ra, những nền đẹp, vị trí tốt được chính người công ty “găm” lại và chào bán sau đó để hưởng chênh. Nhiều môi giới giới thiệu cho khách hàng nền đẹp nhưng khi khách xuống xem dự án thì “găm hàng” và thông báo hết nền. Hóa ra, những nền đẹp chỉ là "cớ" để môi giới "dụ" khách xuống xem đất và sau đó hướng khách mua nền khác theo chủ đích bán hàng. Anh Lê Tiến (ngụ Q.7) cho hay: “Trước khi xuống xem đất dự án, một môi giới đã chào một nền đất đối diện công viên, 2 mặt tiền. Xuống tới nơi, môi giới này thông báo đã có người khác đặt giữ chỗ cách đây 1 tiếng và bảo tôi nên lựa nền khác. Sau đó, tôi được biết nền này vẫn còn và môi giới chào giá chênh gần 40 triệu đồng với một người khác”. Tương tự, chị Huệ Linh (ngụ tại huyện Bình Chánh) cho hay: “Lúc đầu nhân viên kinh doanh giới thiệu cho tôi một nền đất mặt tiền 7m tại KDC huyện Cần Giuộc, nhưng khi xuống dự án chỉ còn lại các lô góc nằm sâu phía trong. Nền giới thiệu trước đó môi giới nói đã có người đặt cọc. Tuy nhiên, tuần sau các nền này vẫn được giao dịch với giá chênh 20 triệu đồng/nền so với giá bán đầu chào bán”.
Nhiều người đã nắm bắt cơ hội đất nền tăng giá nhằm trục lợi riêng. Tại các KDC mới mở bán, phần lớn giá các nền đất đã tăng từ 10 – 30% so với giá quảng cáo trước đó. Việc các DN BĐS găm hàng hoặc tự ý đẩy giá bán ở những nền vị trí đẹp là hiện tượng phổ biến hiện nay. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư thứ cấp diễn ra nhộn nhịp ngay cả khi dự án chưa phân nền, chỉ mới “manh nha” thông tin khiến giá đất bị đẩy lên cao, ảnh hưởng đến người mua ở thực.
Theo tìm hiểu của PV, hầu hết các nền đất KDC chào bán tại lễ mở bán đã qua ít nhất một NĐT trước đó. Vì thế, trong và sau sự kiện, giá đã có sự chênh lệch 5 – 10% so với giá chào bán ban đầu. Đặc biệt, các dự án phân lô hiện nay DN BĐS thường chào bán những nền vị trí xa trước, “để dành” nền đẹp cũng là hình thức “câu khách” và tăng giá bán sau đó.
Ông Hoàng Hà Trí, một NĐT lẻ sống tại P. Tăng Nhơn Phú A, Q.9 chia sẻ: “Trong một dự án, các nền đẹp thường mua qua bán lại từ 3 – 5 NĐT mới đến tay người mua ở. Do đó, đến ngày DN chính thức công bố (khi hạ tầng đã hoàn thiện) thì giá đã chênh cả trăm triệu đồng/ nền. Ngay cả những NĐT lẻ có kinh nghiệm “săn” đất cũng không dễ dàng mua được nền giá sơ cấp. Hầu hết các nền đất “ngon” đều được đón đầu bởi những người trong công ty môi giới hay các sàn. Nhiều trường hợp nhiều môi giới hùn tiền nhau để giữ nền sau đó tung ra bán hưởng chênh”.