Qua khảo sát của một số sàn giao dịch bất động sản (BĐS) cho thấy sau khi có quyết định của Chính phủ, giới đầu tư BĐS đang để mắt tới phân khúc đất nền có vị trí đẹp với kỳ vọng thu được lợi nhuận lớn trong thời gian tới. Đặc biệt, những vị trí dễ dàng kết nối với trung tâm TP. Hà Nội với hệ thống giao thông phát triển thuận lợi đang được chú ý hơn cả.
Theo quy hoạch đã được thông qua, trục Tây Thăng Long với tổng chiều dài khoảng 23km, là tuyến kết nối khu vực Tây Hồ Tây và phía Bắc Cầu Thăng Long với khu đô thị Sơn Tây sẽ chạy qua địa bàn huyện Đan Phượng. Được biết, khi văn bản quy hoạch chính thức được đưa ra khiến cho thị trường đất nền tại khu vực này, nhất là quanh khu vực huyện Đan Phượng "rục rịch" tăng giá.
Giao thông và hạ tầng huyện Đan Phượng được quy hoạch khá đồng bộ
Theo tìm hiểu của PV Vneconomy cho thấy, hiện tại, giá đất ở Đan Phượng tại các vị trí mặt đường các trục chính dao động khoảng từ 55-65 triệu/m2. Tùy từng vị trí mà đất thổ cư trong làng khoảng từ 22- 35 triệu/m2. Như vậy, giá đất hiện tại tăng khoảng 30-40% so hồi đầu năm 2015.
Lý giải về hiện tượng tăng giá đất, đại diện chính quyền Đan Phượng khẳng định, thông tin quy hoạch trục Tây Thăng Long đi qua đã góp phần rất lớn tạo nên giá trị của đất tại địa phương. Ngoài ra, đây cũng là khu vực có vị trí thuận lợi, môi trường sinh sống thoải mái nên thu hút lượng người mua lớn đầu tư cho tương lai.
Bên cạnh đó, theo Quy hoạch chung xây dựng huyện Đan Phượng đến năm 2030 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, huyện Đan Phượng được xác định thuộc phần phía Đông vành đai 4, phát triển theo hướng khu đô thị sinh thái gắn với các dịch vụ công chất lượng cao về giáo dục, y tế thuộc phân khu đô thị S1; phần phía Tây vành đai 4 nằm trong khu vực hành lang xanh.
Tại khu vực hành lang xanh này sẽ phát triển các mô hình nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp xanh, mô hình trang trại. Khoanh vùng bảo vệ và bảo tồn các làng nghề truyền thống, vùng đa dạng sinh thái, vùng nông nghiệp năng suất cao; phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho toàn đô thị, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối liên đô thị.
Đáng chú ý, tại thị trấn Phùng và vùng phụ cận, các trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế thương mại, văn hóa, thể dục thể thao huyện Đan Phượng sẽ được hình thành. Phát triển theo mô hình sinh thái mật độ thấp, mở rộng không gian về phía Đông Bắc và Tây Nam, gồm phần đất thuộc các xã Đan Phượng, Song Phượng, Tân Hội, Thượng Mỗ kết nối với tuyến đường Tây Thăng Long.
Ngoài ra, tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5km với 4 ga ngầm và 8 ga trên cao, dự kiến sẽ được khai thác thương mại vào năm 2021 sẽ giúp việc lưu thông giữa Đan Phượng với khu vực nội thành Hà Nội trở nên dễ dàng hơn.