Trong năm 2016, mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ so với năm 2015 khoảng vài chục điểm cơ bản tùy từng kỳ hạn từ ngắn đến trung và dài hạn, trong đó có hai đợt điều chỉnh tương đối rõ vào quý I và cuối quý IV.
Mặc dù lãi suất huy động tăng nhẹ nhưng lãi suất cho vay trong năm 2016 khá ổn định và ít biến động. Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6%-7%/năm đối với ngắn hạn và 9%-10%/năm đối với trung và dài hạn.
Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3%- 11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay từ 4%-5%/năm.
Mặc dù Chính phủ cùng Ngân hàng Nhà Nước liên tục thể hiện quyết tâm tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, mà một trong những động thái mới đây nhất là kêu gọi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, nhưng theo đánh giá của một số chuyên gia, việc lãi suất giảm vẫn là một điều khá xa vời.
Trao đổi với phóng viên BizLIVE, TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, lãi suất năm 2017 khó giảm vì các yếu tố đến từ cả bên ngoài và nội tại.
Về tình hình thế giới, chuyên gia này cho rằng, chính quyền mới của ông Donald Trump có thể sẽ đưa ra một số bất ổn, đặc biệt, chính quyền này chủ trương chính sách mậu dịch mang tính bảo hộ và cực đoan.
“Nếu ông Trump thực hiện chính sách này thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Mà một khi xuất khẩu bị ảnh hưởng thì môt trong các chính sách mà chúng ta đã từng thực hiện là đẩy tỷ giá lên để tạo sự cạnh tranh trong xuất khẩu.
Việc tăng tỷ giá có thể dẫn đến một sự dịch chuyển từ tiền đồng sang USD với mục đích đầu cơ. Để hạn chế chuyện đó, trong quá khứ chúng ta đã phải đẩy lãi suất tiền đồng lên và áp lãi suất 0% cho USD”, ông Hiếu nói.
Theo đó, chuyên gia cho rằng, năm nay, nếu thực sự nền kinh tế thế giới bị cuốn vào chính sách bảo hộ cực đoan của chính quyền Mỹ và các thj trường xuất khẩu của Việt Nam bị hạn chế thì có lẽ một trong những biện pháp chúng ta có thể sử dụng là điều chỉnh tỷ giá để tạo tính cạnh tranh cho hàng xuất khẩu nhưng đồng thời cũng phải xem xét áp dụng một lãi suất nào đó cho tiền gửi để giữ sự chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và lãi suất USD. Sự chênh lệch này phải đủ lớn để hạn chế sự dịch chuyển từ tiền đồng sang USD.
Trong khi đó, năm nay, FED có thể tăng lãi suất. Nếu điều này xảy ra, có thể chúng ta sẽ phải xem xét việc tăng lãi suất tiền gửi USD. “Và để giữ mức chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa tiền đồng và USD như đề cập ở trên, chúng ta cũng sẽ phải tăng lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng. Và nếu tăng lãi suất tiền gửi thì lãi suất cho vay cũng phải tăng theo”, chuyên gia cảnh báo.
Về yếu tố nội tại, TS.Hiếu cho rằng, việc giảm lãi suất cũng gặp một số điều không thuận lợi.
“Chúng ta có hai mục tiêu vĩ mô đặt ra là kiềm chế lạm phát không quá 4% và tăng trưởng GDP 6,7%. Tôi nghĩ để đạt cả hai mục tiêu này sẽ là một điều rất khó khăn”.
“Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, có nghĩa chúng ta phải đẩy một lượng lớn tín dụng lớn vào thị trường. Như năm 2016, chúng ta đạt tăng trưởng tín dụng 18% mà mới chỉ đạt tăng trưởng GDP 6,3%, còn nếu muốn đạt 6,7% trong năm nay, chúng ta phải đẩy một lượng tín dụng lớn, ít nhất bằng năm ngoái. Mà muồn đẩy tín dụng thì các ngân hàng phải huy động vốn, theo đó, lãi suất huy động sẽ phải được đẩy lên, trừ trường hợp NHNN tạo một thanh khoản rất lớn".
"Với mức tăng trưởng tín dụng cao và ngân hàng cần huy động vốn lớn để tài trợ cho hoạt động tín dụng, tôi thấy khả năng lãi suất cho vay tăng cao hơn là giảm”, chuyên gia nói.