Do bức xúc với việc làm trên của chủ đầu tư, hàng chục cư dân đang sinh sống trong tòa nhà đã đồng loạt tập trung, căng băng rôn tại sảnh chung cư để phản đối. Được biết, chủ đầu tư dự án Capital Garden là Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô (Thuộc Tập đoàn Kinh đô TCI).
Các cư dân cũng phản ánh, chủ đầu tư còn vi phạm hàng loạt quy định như chưa hoàn thiện hệ thống PCCC, chưa kiểm định an toàn với thang máy, chưa hoàn thiện các hạng mục như phòng sinh hoạt cộng đồng, quầy lễ tân…
Anh V.T., một cư dân tại tòa nhà cho biết, hiện chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao hệ thống điện lực cho quận Đống Đa cũng như chưa xuất hóa đơn cho các hộ dân nên một số hộ chưa chịu đóng tiền điện, nước.
Theo thông tin từ ông Lê Văn Hùng, PTGĐ Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô, hiện đã có hơn 200 hộ dân vào nhận nhà sinh sống tại tòa nhà. Tuy nhiên đến nay còn khoảng 60 hộ dân chưa đóng phí dịch vụ tòa nhà và tiền gửi xe vì cho rằng chủ đầu tư thu cao.
Về vấn đề này, ông Hùng phân trần: 'Khi ký hợp đồng mua bán mọi người đều đã đồng ý với các điều khoản thỏa thuạn nhưng hiện nay thì lại phản đối'.
Một số cư dân chung cư Capital Garden tụ tập căng băng rôn
phản đối chủ đầu tư cắt điện, nước. Ảnh: CTV
Tuy nhiên vị đại diện chủ đầu tư cũng thừa nhận, đơn vị quản lý tòa nhà đã cưỡng chế cắt điện, nước của 5 hộ dân bởi những hộ này chưa hề đóng phí dịch vụ cũng như tiền điện, nước cho ban quản lý kể từ tháng 1/2017 .
Về các hạng mục thang máy, theo ông Hùng, chủ đầu tư lắp thang máy chất lượng cao của Nhật Bản và đã được kiểm định an toàn.
Còn về việc phê duyệt PCCC, ông Hùng giải thích do tốc độ thi công của nhà thầu chậm nên có một vài hạng mục nhỏ vẫn đang tiếp tục hoàn thiện, dự kiến trong tháng 7 này sẽ phê duyệt PCCC cho toàn bộ công trình.
Về những bức xúc của người dân, ông Hùng thừa nhận đúng là chủ đầu tư có một vài khiếm khuyết nhưng cũng đã khắc phục gần xong, còn một số ít đang trong quá trình hoàn thiện dần. Trong khi nhiều hộ dân ủng hộ thì có một số ít hộ dân không hợp tác gây khó khăn cho chủ đầu tư, "họ còn đỗ xe cản trở lưu thông của các cư dân khác, thậm chí còn đổ keo dán sắt vào các nút bấm làm hư hại thang máy và nguy hiểm cho người dân của cả tòa nhà”, ông Hùng cho hay.
Theo thông tin cập nhật đến sáng ngày 16/7, đã có thêm một hộ dân đóng tiền điện nước và được phía công ty Kinh Đô cấp lại điện nước, nghĩa là còn lại 4 hộ chưa hợp tác với ban quản lý nên vẫn đang bị cắt điện, nước.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Sở xây dựng Hà Nội cho biết cơ sở pháp lý trong việc tranh chấp của chủ đầu tư và cư dân là tranh chấp dân sự, được thể hiện rõ trong bản hợp đồng mua bán giữa hai bên.
Vị lãnh đạo này cho rằng, nếu chủ đầu tư không thực hiện những cam kết đã ghi trong hợp đồng thì người mua có thể kiện ra tòa án để yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ, thậm chí đền bù thiệt hại nếu có do những vi phạm hợp đồng này gây ra. Cũng theo vị lãnh đạo này, phía cơ quan quản lý nhà nước chỉ tham gia xử lý những vi phạm về trật tự xây dựng và các vi phạm pháp luật khác của chủ đầu tư chứ không can thiệp vấn đề dân sự.