Thị trường

Bất động sản nghỉ dưỡng Phan Thiết đón “sóng” đầu tư

04/03/2017

Nếu 2016 được xem là năm bùng nổ của bất động sản nghỉ dưỡng tại Nha Trang,  Đà Nẵng, Phú Quốc… 2017 sân chơi này rất có thể sẽ chuyển hướng sang khu vực Phan Thiết, Cam Ranh khi một loạt đại gia địa ốc quyết định bẻ lái sang phát triển loại hình nghỉ dưỡng tại 2 địa phương này.

Chia sẻ về kế hoạch phát triển trong năm 2017, Công Ty BĐS Thắng Lợi Group cho biết sẽ lựa chọn Phan Thiết là thị trường trọng điểm để phát triển các dự án lớn trong năm nay. Dự án đầu tiên mà doanh nghiệp triển khai tại Phan Thiết sẽ là khu Đô thị Thương mại – Giải trí – Sinh thái Aloha tại Mũi Né 2 (Hàm Thuận Nam). Được biết dự án có quy mô 15ha, vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng. Đây cũng là một trong ba dự án được UBND tỉnh Bình Thuận xếp vào diện dự án trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh vào năm 2017.

Tương tự, một đại gia vốn quen mặt trên thị trường căn hộ, đất nền là Công ty địa ốc Phúc Khang cũng vừa tiết lộ kế hoạch sẽ “lấn sân” sang phân khúc nghỉ dưỡng. Lần đầu tiên tham gia vào sân chơi này, Phúc Khang lựa chọn thị trường Phan Thiết triển khai dự án Vietnam Square Mũi Né. Theo đó, doanh nghiệp đang hoàn tất các công đoạn cuối và sẽ sớm triển khai dự án vào quý II/2017.

Công ty CP Địa ốc Hoàng Quân, đại gia chuyên phát triển dòng sản phẩm nhà ở xã hội cũng vừa công khai kế hoạch gia nhập thị trường nghỉ dưỡng, địa điểm Hoàng Quân quyết định đầu tư cũng là nằm tại Phan Thiết.

Nhiều doanh nghiệp trở lại với thị trường BĐS nghỉ dưỡng Phan Thiết
nhằm đón đầu các cơ hôi đầu tư mới. Ảnh: Phương Uyên

Trước đó, một loạt doanh nghiệp cũng công bố phát triển dự án tại khu vực này trong năm nay như, Công ty Ý Ngọc Bình Thuận triển khai dự án Khu nghỉ dưỡng Biển Đá Vàng diện tích hơn 10 ha, với tổng số vốn đầu tư khoảng 10 triệu USD ở mũi Kê Gà. Hưng Thịnh, Toàn Thịnh Phát cũng đang gia nhập cuộc đua với các dự án tầm cỡ như Pegasus; Khu du lịch thương mại dịch vụ cao cấp Hàm Tiến - Mũi Né 200 ha; Khu du lịch Hòn Rơm - Mũi Né 86 ha; Khu du lịch Hàm Thuận Đa Mi 330 ha; Khu du lịch suối nước nóng Bưng Thị 310 ha; Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết của Tập đoàn Rạng Đông; Khu đô thị - thương mại - du lịch The Queen Pearl của Công ty Địa ốc Danh Khôi (DKR).…

Phân tích động thái dịch chuyển về Phan Thiết của nhiều CĐT, ông Dương Long Thành, TGĐ Công Ty CP Địa ốc Thắng Lợi nhận định, Phan Thiết vốn không phải là một thị trường mới, tuy nhiên từ 2017 nhiều dự án hạ tầng trọng điểm của thành phố này sẽ chính thức được triển khai. Ví như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết giúp rút ngắn thời gian từ Tp.HCM - Phan Thiết chỉ còn 2 giờ lái xe. Cao tốc Phan Thiết - Mũi Né - Nha Trang (khởi công vào quý II/2017) đưa Phan Thiết trở thành tâm điểm của tứ giác vàng du lịch Tp.HCM - Phan Thiết - Đà Lạt - Nha Trang. Ngoài ra, dự án sân bay Phan Thiết dự kiến đi vào hoạt động năm 2018 sẽ thúc đẩy không chỉ khách nội địa khu vực phía Nam mà cả lượng khách từ các tỉnh phía Bắc và quốc tế đến với thị trường này. Động thái “thức giấc” của hạ tầng đã giúp tỉnh Bình Thuận kéo thêm hàng loạt CĐT lớn với nhiều dự án tầm cỡ.

Tuy nhiên theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, việc nhiều dự án đồng loạt được triển khai tại Phan Thiết sẽ mang đến nguồn cung khá lớn và gây ra không ít khó khăn trong việc cạnh tranh tại thị trường này. Thực tế đã có rất nhiều doanh nghiệp từng triển khai dự án ở đây, bên cạnh một số CĐT gặt hái thành công, không ít dự án đang lâm vào cảnh “chết trận”. Vì vậy yếu tố quan trọng nhất trong phát triển tại Phan Thiết là lựa chọn mô hình đầu tư phù hợp. Cùng với phát triển dự án, doanh nghiệp cũng cần phát triển thêm các yếu tố bổ trợ cho du lịch, các khu vui chơi có sức hút nhằm thu hút du khách và tạo lập nguồn khách hàng thường xuyên cho các dịch vụ lưu trú đi kèm.