Thị trường

Bất động sản công nghiệp xếp đầu bảng về FDI

02/03/2017

Đón dự án “khủng”

Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III tại tỉnh Bình Dương do Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) làm chủ đầu tư là dự án dẫn đầu trong số 11 dự án BĐS FDI trong tháng 2/2017. Đây là khu công nghiệp có diện tích quy hoạch 1.000 ha, tại các  xã Tân Lập (huyện Bắc Tân Uyên) và xã Hội Nghĩa (thị xã Tân Uyên), thời gian thực hiện 50 năm.

Với dự án thứ 3 tại Bình Dương, VSIP đã nâng số dự án phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam lên con số 7 dự án với diện tích đất quy hoạch hơn 6.000 ha.  Đây cũng là dự án FDI có vốn đăng ký lớn nhất trong tất cả các dự án FDI được cấp phép trên địa bàn cả nước trong tháng 2/2017.

Xu hướng đầu tư vào BĐS hạ tầng khu công nghiệp và kho vận tiếp diễn từ cuối năm 2016, khi các chỉ số tăng trưởng kinh tế Việt Nam liên tục được cải thiện, được nhiều tổ chức đánh giá là một trong những thị trường triển vọng nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Điển hình như Tổ hợp cảng biển và Khu công nghiệp Đầm nhà Mạc do Liên doanh Công ty TNHH Tập đoàn quốc tế CDC (Cayman Islands), Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng Á châu Hồng Kông và Công ty TNHH Tiện ích Trung Đông (Singapore) làm chủ đầu tư tại Quảng Ninh.

Với số vốn đăng ký 315,4 triệu USD, Tổ hợp sẽ tập trung đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cảng biển, khu công nghiệp, trong đó, hệ thống cảng biển gồm 10 bến cho tàu 50.000 DWT, dịch vụ logistics trên diện tích hơn 1.100 ha. Trong giai đoạn I (2017 - 2021), dự án sẽ được triển khai trên diện tích 318,8 ha và tới giai đoạn III (2032 - 2036), hạ tầng của khu công nghiệp này sẽ hoàn thành.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào BĐS trong tháng 2/2017 chủ yếu
là các dự án hạ tầng khu công nghiệp. Ảnh minh họa

Một dự án khu công nghiệp khác cũng đăng ký vào tỉnh Nghệ An là Khu công nghiệp Hemaraj do Tập đoàn Hemaraj (Thái Lan) làm chủ đầu tư. Được biết, Hemaraj đã đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với Cienco4 và UBND tỉnh Nghệ An triển khai Dự án với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD, quy mô 3.200 ha chia thành 5 giai đoạn, khởi công từ năm 2017.

Vốn đăng ký tăng 12 lần

Trở lại với Dự án VISP III tại Bình Dương, chỉ trong tháng 2/2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót 345,5 triệu USD vào lĩnh vực BĐS tại Việt Nam (chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư FDI), so với mức 29,07 triệu USD cùng kỳ năm 2016 đã tăng gần 12 lần.

Tính đến 31/12/2016, trên cả nước có 324 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 91.800 ha. Trong đó, 61.700 ha (chiếm 67% là diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê, bao gồm 220 khu công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên 59.600 ha đã đi vào hoạt động, 104 khu công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên 29.700 ha đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản.

Dự báo về triển vọng thị trường BĐS Việt Nam năm 2017, Tổng giám đốc Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL Việt Nam), ông Stephen Wyatt cho biết, đây sẽ tiếp tục là một năm phát triển cho thị trường BĐS Việt Nam. Kinh tế Việt Nam liên tục được cải thiện với các chỉ số kinh tế  tích cực và được công nhận là một trong những thị trường triển vọng nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo ông Stephen Wyatt, thị trường sẽ tiếp tục ghi nhận các hoạt động tích cực trên các phân khúc căn hộ, văn phòng, thị trường khách sạn và thị trường khu công nghiệp. Dựa trên nguồn cầu từ cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, có thể khẳng định rằng, năm 2017 sẽ là năm kỷ lục cho hoạt động mua, bán và sáp nhập trên thị trường BĐS Việt Nam.

Ông Alex Crane, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định, điều kiện thị trường và kinh tế vĩ mô hiện tại cũng như trong tương lai gần đang tạo ra một bối cảnh gần như hoàn hảo để kinh doanh BĐS khu công nghiệp.

Ông Alex Crane cho biết, mặc dù trên thị trường có người thắng, người thua, nhưng tính ổn định cao sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong ngành công nghiệp, được cho là ngành quan trọng nhất liên quan đến sự tăng trưởng của nền kinh tế ở Việt Nam. Giá đất, giá thuê vẫn ổn định trong một thời gian dài và với khả năng kiểm soát các vấn đề về nguồn cung, trạng thái này có thể sẽ duy trì trong tương lai gần.