Bất động sản Việt Nam

TP.HCM tập trung xóa chung cư cũ

22/08/2016

Xung quanh nội dung này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Trọng, Chủ tịch UBND quận 10.

Trước đây, trên địa bàn quận 10 có 40 chung cư được xây dựng từ năm 1968 - 1970. Số chung cư này hiện đã xuống cấp rất trầm trọng. Năm 2003, quận 10 đã tiến hành kiểm định chất lượng những chung cư trên, nhận thấy chất lượng hiện chỉ còn lại khoảng 57%. Trong khoảng 10 năm qua, quận 10 đã thực hiện tháo dỡ 15 lô chung cư cũ, hiện vẫn còn 25 lô chung cư cũ tập trung tại phường 2 và 3 (17 lô), phường 7 (2 lô) và phường 9 (6 lô), với khoảng 4.000 hộ gia đình đang sinh sống. Vì vậy, trong từng giai đoạn của chương trình phát triển đô thị, UBND quận đều đưa ra yêu cầu tháo dỡ các tòa chung cư cũ để xây mới, tái định cư cho người dân.

Trong thời gian vừa qua, Thành ủy và UBND Tp.HCM đã chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng dự thảo kế hoạch phân cấp, ủy quyền cụ thể cho cấp quận, huyện trong công tác xóa chung cư cũ, đầu tư xây dựng các chung cư mới. Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng đã chỉ đạo trong tháng 9/2016 phải hoàn tất công tác phân cấp, ủy quyền một cách đồng bộ và toàn diện cho các cấp quận, huyện. Hiện nay, quận 10 cũng như các quận, huyện khác đang chờ quyết định trên kèm theo hệ thống tiêu chí hướng dẫn của các sở, ngành chuyên môn để bắt tay vào thực hiện. Trong tuần tới, lãnh đạo quận sẽ họp với khối đô thị để bàn về định hướng, phân công rõ trách nhiệm, chuẩn bị tổ chức thực hiện... nhằm sẵn sàng tư thế để khi TP ký quyết định sẽ tổ chức triển khai ngay.

Trên thực tế, UBND quận 10 đã lo một số đầu việc trước, tiến hành kiểm định chất lượng chung cư cũ ngay từ đầu năm 2016 chứ không phải chờ đến bây giờ mới thực hiện. Hiện tại quận 10 đã thực hiện việc kiểm định đối với 11/25 lô chung cư cũ, kết quả kiểm định cho thấy hầu hết các chung cư gần như thuộc nhóm C. 25 lô chung cư này đều được xây dựng từ 1968 - 1970, có đối tượng sử dụng, mức độ xuống cấp như nhau, kết quả kiểm định cũng tương đương. UBND quận 10 đang đề nghị Sở Xây dựng TP cho sử dụng kết quả kiểm định 11 lô chung cư này áp cho 25 lô nhằm chấm dứt sớm giai đoạn kiểm định. Sau khi được sở, ngành chấp thuận, UBND quận 10 sẽ tiến hành thông báo kết quả kiểm định cho bà con sống tại 25 lô này. Theo quy định, sau 12 tháng kể từ khi thông báo kết quả kiểm định, những chung cư đó phải tiến hành tháo dỡ. Về kinh phí phá dỡ, lãnh đạo quận sẽ thông tin sau. 

Tp.HCM tập trung xóa chung cư cũ
Một góc chung cư Ngô Gia Tự, quận 10. Đây là một trong các lô chung cư cũ cần phá dỡ, xây dựng mới. Ảnh: LONG THANH

Như đã đề cập, công tác lớn nhất, trọng tâm nhất trong việc chỉnh trang đô thị vẫn là tháo dỡ chung cư cũ. Vì vậy, việc sử dụng ngân sách để phục vụ cho những công việc liên quan cũng được tập trung, ưu tiên.

Theo ông Nguyễn Đức Trọng, việc tháo dỡ chung cư cũ, đầu tư xây dựng mới đòi hỏi sự tham gia quyết liệt của nhiều cơ quan, ban, ngành. Trước hết, với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, khi giải quyết bài toán điều chỉnh quy hoạch cần phải giải quyết dứt điểm tình trạng ách tắc giao thông, đấu nối hạ tầng, đưa ra những chỉ tiêu quy hoạch nhằm nâng cao hiệu quả thu hút các nhà đầu tư. Liên quan đến Sở Tài nguyên - Môi trường, hiện thủ tục thu hồi đất tại một số dự án vẫn thực hiện khá lâu. Vì vậy, đối với các dự án tháo dỡ chung cư cũ, Sở Tài nguyên - Môi trường cần tham mưu cho TP rút ngắn thủ tục, hướng dẫn, ủy quyền cho quận làm ở khâu nào cũng cần phải rõ.

Theo Nghị định 101, với những chung cư kiểm định chất lượng thuộc nhóm C, sau 12 tháng kể từ khi công bố kết quả kiểm định, người dân phải chọn chủ đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên, để người dân biết được ai là chủ đầu tư có uy tín, năng lực, Sở Kế hoạch - Đầu tư TP cần công bố danh sách các doanh nghiệp này làm cơ sở giúp người dân đưa ra lựa chọn. Ngoài ra, khâu khó nhất của một dự án đầu tư thường là việc bồi thường giải phóng mặt bằng, giá cả thỏa thuận với người dân. Vì vậy, Sở Tài chính cần tham mưu cho UBND TP làm sao cho phép cấp quận, huyện tính toán được đầy đủ, giải quyết quyền lợi, tài sản của dân thì mới mong họ ủng hộ chương trình này. Ngoài ra, khi người dân tái định cư tại chỗ, tức là họ đưa tài sản của mình vào trong dự án, doanh nghiệp sẽ không bỏ tiền ra giải phóng mặt bằng mà sẽ cầm trước tài sản người dân. Khi đó quyền lợi người dân sẽ được tính như thế nào?

Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự ủng hộ của người dân và mức độ quan tâm của các doanh nghiệp. Tại thời điểm hiện tại, UBND cấp quận vẫn chưa tham khảo ý dân, cũng chưa tổ chức mời gọi hướng dẫn các nhà đầu tư nên rất khó xác định thời gian cụ thể. Nhưng theo chủ quan cá nhân, ông Trọng rất kỳ vọng trong nhiệm kỳ này sẽ tháo dỡ được 9 - 11 lô. Nếu được bà con ủng hộ, các doanh nghiệp quan tâm, cùng với sự tạo điều kiện phân cấp mạnh mẽ từ Thành ủy, UBND TP và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, kết quả đạt được sẽ khả quan hơn.

Theo chủ trương của quận 10, tất cả các dự án đã và sẽ làm phải đặt yêu cầu đầu tiên là tái định cư 100% theo yêu cầu của các hộ dân. Cái khó là khi nhà đầu tư tham gia vào phải có quỹ nhà cộng thêm để doanh nghiệp kinh doanh thu hồi vốn. Đây là yếu tố quyết định hiệu quả trong việc thu hút đầu tư. Nếu chỉ tiêu ít quá, đầu tư không hiệu quả thì khó thu hút được các nhà đầu tư tham gia. Ngược lại, nếu tăng chỉ tiêu nhiều quá thì sẽ gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội, tạo ra đô thị phát triển không bền vững. Đây là một bài toán khó nên cần có sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ban, ngành liên quan.

(Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính)