Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, năm 2016, lần đầu tiên lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đạt con số hơn 10 triệu lượt, tăng 26% so với năm 2015.
Trong năm 2017, dự kiến, lượng du khách quốc tế đạt 11,5 triệu, tăng 15%. Đặc biệt, trong vài năm tới, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh và dự báo sẽ gấp đôi hiện nay vào năm 2020.
Ở trong nước, lượng du khách nội địa cũng gia tăng nhanh. Năm 2015, lượng du khách nội địa đạt 57 triệu lượt, tăng 47% so với năm 2014.
Lượng du khách quốc tế và khách nội địa tăng nhanh đã kéo theo nhu cầu về cơ sở lưu trú, dẫn đến hiện tượng bùng nổ đầu tư vào thị trường BĐS nghỉ dưỡng.
BĐS nghỉ dưỡng thời gian qua bùng nổ nhờ sự gia tăng số người giàu
trong nước và sự đầu tư lớn chưa từng có của hệ thống hạ tầng giao thông
Hàng loạt các trung tâm du lịch từ Bắc tới Nam như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Quốc… đã trở thành những trung tâm BĐS nghỉ dưỡng, thu hút vốn đầu tư lên tới hàng chục tỷ đô la.
Một nghiên cứu mới đây của JLL cho thấy, ngành du lịch và lưu trú Việt Nam đang là điểm sáng của nền kinh tế và cũng là điểm sáng so với các nước trong khu vực.
Theo JLL, ngành du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng không chỉ do lượng du khách quốc tế tăng, mà còn bởi lượng du khách trong nước cũng như tầng lớp trung lưu tại Việt Nam không ngừng gia tăng.
Ngành du lịch phát triển kéo theo sự bùng nổ của việc đầu tư cơ sở lưu trú và của cả thị trường BĐS nghỉ dưỡng.
Cũng theo JLL, do kinh tế Việt Nam đang phát triển và hệ thống hạ tầng trong nước cũng đang được đầu tư rất lớn nên ngành du lịch và BĐS nghỉ dưỡng vẫn đang có động lực tăng trưởng.
Cụ thể, theo Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, mục tiêu đặt ra là sẽ xây dựng 2.000km đường cao tốc, hệ thống sân bay liên tục được đầu tư, mở rộng. Các hãng hàng không cũng có chiến lược đầu tư lớn, như VietJet Air đã đặt mua 100 máy bay Boeing...
Các điểm đến du lịch như Nha Trang, Quảng Ninh, Phú Quốc… được hưởng lợi nhờ hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư lớn. Những điểm đến này tiếp tục kéo theo sự phát triển của các điểm đến lân cận.
Chẳng hạn, tại miền Bắc, Vịnh Hạ Long là một điểm du lịch nổi bật nhưng gần đây, Sapa được nhắc tới nhiều hơn. Trong khi tại miền Trung, ngoài Đà Nẵng, Nha Trang, thị trường cũng nhắc nhiều hơn đến Hội An, Quy Nhơn, Mũi Né…
Bên cạnh tiềm năng phát triển của ngành du lịch và BĐS nghỉ dưỡng, JLL cũng chỉ ra rất nhiều thách thức, đặc biệt là với một số thị trường BĐS nghỉ dưỡng, vốn bùng nổ theo sự phát triển của ngành du lịch.
Chẳng hạn tại Phú Quốc, nơi có thị trường BĐS nghỉ dưỡng phát triển mạnh trong vài năm qua, nhưng theo JLL, áp lực về nguồn cung trên thị trường "ngôi nhà thứ 2", đặc biệt là mô hình condotel đã xuất hiện do rào cản nhập cảnh.
Tại Nha Trang và Canh Ranh, thị trường BĐS nghỉ dưỡng nơi này phát triển nhanh chóng do sự bùng nổ của lượng du khách. Hàng loạt những thương hiệu quốc tế đã xuất hiện tại đây. Tuy nhiên, sự thành công của nơi này lại phụ thuộc rất lớn vào lượng chuyến bay đến và năng lực của sân bay.
Theo một nghiên cứu mới đây của Savills Việt Nam, tại Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh và Phú Quốc, thị trường "ngôi nhà thứ 2" đang gặp phải thách thức. Cụ thể, thời gian qua, dù các thị trường BĐS nghỉ dưỡng trên phát triển nhanh và nhiều dự án rất thành công nhưng lượng dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện rất lớn. Do đó, bất chấp lượng du khách vẫn tăng, thị trường "ngôi nhà thứ 2" được dự báo vẫn sẽ gặp khó khăn do một lượng lớn dự án sẽ hoàn thành và được đưa vào vận hành trong thời gian tới.