Nhằm phát triển kinh tế, trong nhiều năm qua, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có Tp.HCM đã tập trung đầu tư xây dựng nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, hệ thống kho tàng, cảng biển…
Hiện Tp.HCM là một trong những địa phương có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp nhất trên cả nước với 3 khu chế xuất, 12 khu công nghiệp, tổng diện tích lên tới 3.500 ha. Bên cạnh đó, có 7 khu công nghiệp dự kiến sẽ được thành lập mới với tổng diện tích 1.569 ha và 4 khu công nghiệp dự kiến mở rộng với tổng diện tích 849 ha. Như vậy, tới năm 2020, Tp.HCM dự kiến có tổng cộng 22 khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung với tổng diện tích 5.918 ha.
Các khu công nghiệp, khu chế xuất này đã góp phần quan trọng cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố theo hướng công nghiệp hóa, đóng góp đến 40% kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp, giúp đưa Thành phố trở thành trung tâm xuất khẩu lớn nhất nước.
Song, việc quy hoạch chưa đồng bộ, chủ yếu mới dành đất cho xây dựng cơ sở hạ tầng bên trong khu công nghiệp, còn bên ngoài vẫn chưa được quan tâm, khiến các khu chế xuất, khu công nghiệp bị kìm kẹp.
Mặc dù là tuyến đường huyết mạch dẫn vào khu công nghiệp, song một số
cầu có tải trọng rất thấp, ngăn xe cỡ lớn lưu thông
Tại một số quận, huyện trên địa bàn Tp.HCM và các tỉnh lân cận, đường bộ và cầu dẫn vào các khu chế xuất, khu công nghiệp vẫn chưa được đồng bộ. Nhiều cây cầu, đường được gắn biển báo tải trọng quá thấp, gây khó khăn trong công tác vận chuyển hàng hóa ra vào các khu công nghiệp.
Chẳng hạn, cầu Thầy Cai, cầu Tân Tạo và cầu Long Khê là những cây cầu trên tuyến đường dẫn vào các khu công nghiệp như Cầu Tràm, Đức Hòa Long An,… hay cầu Phú Xuân, nằm trên đường Huỳnh Tấn Phát nối quận 7 với huyện Nhà Bè - khu vực có nhiều kho bãi, cảng, xí nghiệp, nên lưu lượng xe tải qua lại là rất nhiều, song đều được gắn biển báo hạn chế trọng lượng xe 30 tấn.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, phương tiện được sử dụng vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu ra vào các khu công nghiệp, khu chế xuất chủ yếu bằng xe tải, nhất là đầu kéo sơ mi rơ moóc chuyên dụng. Đối với tổ hợp xe đầu kéo sơ mi rơ moóc 5 trục, thì thường xuyên có tổng trọng lượng lên tới 42 tấn hoặc 48 tấn đối với tổ hợp xe 6 trục. Vì vậy, gần như 100% phương tiện này khi di chuyển trên các tuyên đường trên đều vi phạm và bị xử phạt rất nặng, gây khó khăn và bức xúc cho các doanh nghiệp và tài xế.
Anh Hồ Ngọc Thức, tài xế xe đầu kéo sơ mi rơ moóc cho hay, vừa rồi anh có chạy trên tuyến đường huyện Cần Đước, tỉnh Long An bị Công an tỉnh Long An xử phạt 6 triệu đồng về lỗi quá tải trọng. Anh bức xúc: "Bộ Giao thông - Vận tải đã yêu cầu phải cải tạo, điều chỉnh tăng khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông, nhưng lại không cải tạo cầu, đường. Như vậy, khi xe chúng tôi đi qua chắc chắn sẽ bị lỗi quá tải trọng và mức xử phạt rất là cao”.
Theo đại diện một số doanh nghiệp đặt nhà máy sản xuất trong các khu công nghiệp, quy hoạch như vậy là không đồng bộ và chưa được sâu sát với thực tế, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Đại diện một số doanh nghiệp phân tích, một mặt thì kêu gọi đầu tư, đưa doanh nghiệp vào các khu chế xuất, khu công nghiệp, hạ tầng giao thông kết nối lại không nâng cấp, như vậy làm sao doanh nghiệp dám đâu tư?
Nhiều chuyên gia nhận xét, việc thiếu đồng bộ của hạ tầng này ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp. Đối với những hàng hóa rời thì có thể chia nhỏ ra để vận chuyển, tuy nhiên đối với những hàng hóa đóng thùng nguyên kiện, liên quan đến pháp lý bên hải quan, thì không thể tách ra được. Do đó, doanh nghiệp bắt buộc phải phát sinh thêm chi phí cho việc lưu thông hàng hóa, tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Bởi vậy, nếu muốn thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, cần phải hoàn thiện quy hoạch tổng thể, bao gồm cả bên trong và bên ngoài khu công nghiệp. Ngoài ra, quy hoạch phải bao gồm cả các cụm công nghiệp, các cơ sở hạ tầng kết nối đảm bảo sự phát triển thuận lợi và có hiệu quả của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.