Theo danh sách mới nhất từ Sở Xây dựng Hà Nội, hàng loạt dự án nhà ở thương mại (cả chung cư và biệt thự, liền kề) tại khu vực trung tâm thành phố đã hoàn thành khâu thủ tục cuối cùng để bung hàng chính thức.
Chiếm tỷ trọng lớn sản phẩm trong số đó là các dự án thuộc chủ quản của Tập đoàn Vingroup. Một điểm chung là vị trí của những tổ hợp cao cấp này đều đặt tại phía Tây – Tây Nam Hà Nội.
Đơn cử, dự án Khu chức năng chính là cây xanh, hồ điều hòa một phần công trình công cộng kết hợp nhà ở – Vinhomes Paradise (P. Mễ Trì, Q. Nam Từ Liêm) được chấp thuận đưa vào kinh doanh 331 sản phẩm nhà ở (tương đương 145.259m2). Tiếp đến là 2 hạng mục nhà A, B thuộc dự án tổ hợp công trình thương mại, dịch vụ, văn phòng nhà ở và nhà trẻ Star City Center (ô đất HH Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng) ghi nhận 864 sản phẩm (tương đương hơn 92.000m2 nhà ở); dự án Khu đô thị sinh thái – Vinhomes Riverside 2 (P. Phúc Đồng, Q. Long Biên) được kinh doanh 556 sản phẩm…
Chỉ tính riêng lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường của 3 dự án này đã gần 1.800 – vượt tất cả sản phẩm nhà ở đến từ các dự án khác được nêu trong danh sách mới cập nhật của Sở Xây dựng.
Để hiểu rõ hơn nguyên do giúp Vingroup có lượng sản phẩm lớn cung ứng ra thị trường ở khu vực phía Tây Hà Nội, cần quay lại tháng 11/2015, thời điểm Vingroup từng nhận chuyển nhượng 56.019.514 cổ phiếu (tương đương hơn 67% vốn điều lệ) của công ty CP Phát triển Thể thao và Giải trí Mễ Trì – đơn vị được giao phát triển dự án “Khu chức năng chính là cây xanh, hồ điều hòa và một phần công trình công cộng kết hợp nhà ở” trên khu đất 32.1ha tại Mễ Trì.
Dự án này được Hà Nội phê duyệt năm 2007 với tên gọi “Khu luyện tập thể thao và vui chơi giải trí Mễ Trì” nằm trên khu đất có tổng diện tích gần 27 ha. Trong đó, riêng hạng mục sân golf 9 lỗ và các công trình phụ trợ (quy mô vốn dự kiến 15 triệu USD) chiếm hơn 53% tổng diện tích xây dựng.
Tuy nhiên, đến giai đoạn 2009 – 2010, dự án sân golf này thuộc diện bị thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời cũng nằm trong danh sách 10 sân golf bị đề xuất “khai tử” trên địa bàn Hà Nội.
Tháng 5/2010, Hà Nội đã ban hành quyết định chuyển mục đích dự án sân golf này thành “Khu chức năng chính là cây xanh, hồ điều hòa và một phần công trình công cộng kết hợp nhà ở”. Đến tháng 8/2015, TP. Hà Nội ra quyết định phê duyệt QHCT 1/500 của dự án Khu chức năng chính là cây xanh, hồ điều hòa và một phần công trình công cộng kết hợp nhà ở…
Nhờ thâu tóm thành công hơn 67% vốn điều lệ của công ty CP Phát triển Thể thao và Giải trí Mễ Trì, cuối cùng Vingroup đã sở hữu tổ hợp dự án ngay cửa ngõ phía Tây Thủ đô. Chỉ với 3 dự án, Vingroup đã tung ra thị trường gần 1.800 sản phẩm nhà ở.
Nếu như Vingroup thành công theo diện rộng ở các dự án “siêu hot” nêu trên thì các công ty còn lại chỉ lác đác xuất hiện trong danh sách dự án được phép đưa sản phẩm vào kinh doanh.
Điển hình, dự án Hà Nội Paragon (Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Cầu Giấy) của chủ đầu tư công ty CP Xây dựng và Thương mại VT được phép huy động vốn từ 330 sản phẩm nhà ở (căn chung cư) theo Văn bản số 8712/SXD-QLN của Sở Xây dựng TP. Hà Nội.
Tiếp đến là dự án xây dựng khu nhà ở cao tầng, văn phòng làm việc và nhà ở thấp tầng tại số 89 phố Thịnh Liệt (Q. Hoàng Mai) được kinh doanh 282 BĐS nhà ở (tương đương 34.610m2 nhà ở) theo văn bản 1295/SXD-QLN. Tổ hợp cao tầng này do Liên danh công ty CP cầu 1 Thăng Long, công ty CP đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 36 và công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Hồng Hà làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, dự án GoldSeason 47 Nguyễn Tuân và tòa nhà Tháp doanh nhân tại số 1 Thanh Bình (Q. Hà Đông) cũng được nhắc tới trong danh sách lần này. Công trình NƠ1 thuộc dự án tổ hợp Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng, căn hộ cao cấp và căn hộ khách sạn (công ty CP BĐS Mùa Đông – VID làm chủ đầu tư, TNR Holdings phát triển dự án) được cho phép kinh doanh 375 căn hộ. Dự án do công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu Tây Đô làm chủ đầu tư được phép bán 420 căn hộ. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là dự án Tháp Doanh nhân tại Hà Đông từng chìm trong tai tiếng chậm tiến độ suốt 3 – 4 năm qua.