Ngày 9/8/2016, tại buổi Tọa đàm Cấp giấy đỏ cho nhà dự án do báo Pháp Luật TP HCM tổ chức, ông Tuấn cho biết, theo nghề địa ốc 27 năm, đã thực hiện nhiều dự án tại quận 2, Thủ Đức, Tân Bình, đô thị mới Nam Sài Gòn... nên ông luôn xác định ngay từ khi bán nhà phải lo cả việc cấp giấy chủ quyền cho người mua.
Tuy nhiên, ông Tuấn phản ánh để hoàn tất các thủ tục pháp lý, doanh nghiệp cũng bị hành "đến nơi đến chốn". Chẳng hạn như, một dự án căn hộ bị 8 luật đè trên đầu. Luật đất đai, nhà ở, xây dựng, đô thị, kinh doanh bất động sản, đầu tư... Dưới luật là hàng loạt các thông tư, nghị định. Trong lịch sử, mỗi giai đoạn cấp giấy cho một dự án căn hộ, luật sửa đổi bổ sung cách nhau 10 năm, đến nay đã sửa đổi bổ sung 3 lần và bây giờ đang sử dụng luật năm 2014. Muốn làm giấy chủ quyền cho khách hàng, trước hết tiền sử dụng đất chủ đầu tư phải thực hiện trước.
Ông Tuấn trần tình, hầu như tất cả các dự án của công ty đều hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất đối với nhà nước. Các dự án doanh nghiệp đều ra chủ quyền cho khách hàng, có thể nhanh hay chậm một chút nhưng tuyệt đối không nợ. Từ khi triển khai việc làm giấy chứng nhận cho khách hàng cho đến khi nhận sổ phải qua 10 bước, chủ đầu tư phải tự làm hết.
Theo phản ánh của doanh nghiệp bất động sản, một dự án nhà ở cõng 8 luật và quy trình cấp giấy chứng nhận có đến 10 khâu. Ảnh: Vũ Lê |
Trước khi bắt tay làm sổ cho khách hàng thì tiến hành thí điểm trước 10-20 căn, để biết đường đi nước bước vướng chỗ nào mà rút kinh nghiệm. Sau đó, doanh nghiệp mới làm thủ tục cấp chủ quyền nhà đại trà hàng trăm căn. "Nên chăng hãy bỏ bớt các thủ tục cấp giấy vì có đến 10 khâu. Mỗi bước mất khoảng bao nhiêu ngày luật đều quy định nhưng các cơ quan thường kéo dài. Tôi mong cơ quan quản lý cố gắng đúng hẹn", vị lãnh đạo doanh nghiệp này kiến nghị.
Bộ phận pháp lý Công ty Tân Bình chia sẻ thêm, theo quy định sau 50 ngày kể từ khi nhận đủ tiền của khách hàng thì chủ đầu tư phải tiến hành làm giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ cho khách hàng. Song, trên thực tế doanh nghiệp không thể nào theo kịp tốc độ 50 ngày này. Các vấn đề vướng mắc đôi khi rất nhỏ cũng có thể khiến cho quy trình cấp giấy chứng nhận kéo dài vài tuần đến vài tháng. Ví dụ như phiếu chuyển từ Văn phòng đăng ký đất đai TP HCM sang cơ quan thuế cần bổ sung vài chi tiết cũng khiến chủ đầu tư giải trình, đi về nhiều bận, mất vài tuần.
Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP HCM, Phạm Ngọc Liên cho biết, tính đến ngày 1/7/2014, trên địa bàn thành phố có 33 dự án nhà chung cư, 10.997 căn đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, hiện số này vẫn chưa được cấp hết.
Nguyên nhân dẫn đến chậm cấp giấy có bốn lý do phổ biến nhất. Thứ nhất là chủ đầu tư vi phạm xây dựng. Thứ hai là chủ đầu tư không lường trước được thị trường nên phải thay đổi cho phù hợp với thị trường giữa chừng. Thứ ba, chủ đầu tư thế chấp giấy đỏ khi đã bán nhà cho người mua. Thứ tư là cơ quan thi hành án đôi khi chỉ vì một phần vướng mắc của dự án mà ngăn chặn toàn bộ dự án.
Thừa nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận đòi hỏi quá nhiều thủ tục, ông Liên giải thích, việc cấp giấy có 3 luật chi phối trực tiếp: Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản. Thông tin thể hiện trên giấy chứng nhận đang bị thay đổi do các hồ sơ liên quan bị thay đổi, cập nhật theo thời gian. Hạn chế tình trạng trễ hạn thì phải có phần mềm cập nhật, công khai để người dân tiện theo dõi. Nếu minh bạch thông tin thì các cơ quan sẽ cùng chịu trách nhiệm. Hy vọng trong thời gian tới TP HCM có thể sớm áp dụng quy trình minh bạch thông tin này.
Cũng theo ông Liên, lẽ ra quy trình này thực hiện qua hệ thống liên thông điện tử cho thuận lợi. Chủ đầu tư và người mua nhà không cần phải mất thời gian đến từng nơi. Tuy nhiên do hạ tầng còn quá dở nên việc cấp giấy bị kéo dài thời gian. Hiện nay thông tin cấp giấy được thông báo bằng hình thức chuyển giấy và chuyển bằng phương án thủ công là không đúng với tinh thần của việc liên thông một cửa.
Theo Vũ Lê (vnexpress.net)