Bất động sản Việt Nam

BĐS Tp.HCM đang dịch chuyển dần về khu Tây

11/04/2017

Báo cáo khảo sát thị trường bất động sản Tp.HCM mà Công ty DKRA vừa công bố cho thấy, trong số 7.100 căn hộ mới chào bán ra thị trường vào quý I/2017 vừa qua, khu Tây chiếm đến 49%, vươn lên dẫn đầu về tổng số nguồn cung mới trên toàn thị trường. Xếp sau là khu Nam với 31%. Trong quý này, nguồn cung mới tại khu Đông chỉ đạt 500 căn hộ mới, chiếm 9% tổng cung, tức sụt giảm hơn 50% so với thời điểm cuối năm 2016.

Theo ông Nguyễn Hoàng, GĐ bộ phận NCTT DKRA, sự chuyển dịch của thị trường BĐS bắt đầu từ thời điểm nửa cuối năm 2016 và phản ánh rõ nhất vào quý I/2017 khi các quận phía Tây có thị phần sản phẩm mới lớn hơn cả phía Đông và phía Nam. Nếu thời điểm 2015, nguồn cung căn hộ ở phía Tây chỉ chiếm 18% tổng nguồn cung trên toàn thị trường, thì đến đầu 2016 con số này tăng lên 25% và trong quý I/2017 đạt 49%. Dự kiến nguồn cung tại thị trường này còn tiếp tục tăng lên trong các quý tiếp theo.

 

Thị trường BĐS Tp.HCM có sự chuyển dịch dần về khu Tây không chỉ ở
nguồn cung mà còn về sức mua. Ảnh: Phương Uyên

Không chỉ gia tăng nguồn cung, sức mua của thị trường phía Tây ngày càng chiếm ưu thế, hấp dẫn cả nhà đầu tư và những người mua để ở. Tỷ lệ giao dịch thành công của hầu hết các dự án được bán ra ở khu Tây lên tới 80-90%. Tại một số dự án trước đây có tỷ lệ bán không tốt thì hiện nay sau khi “đổi chủ” cùng với sự thay đổi thiết kế và phương thức thanh toán, tỷ lệ bán đạt đến hơn 90%. Theo đánh giá của các chuyên gia, phía Tây Nam có chi phí đầu vào để phát triển BĐS còn thấp so với các trục đô thị đã phát triển tương đối hoàn chỉnh ở phía Đông và Nam. Do còn sơ khai, giá nhà đất khu vực này cũng tương đối phù hợp với khả năng chi trả. Đặc biệt ở đây đang có một quỹ đất rộng lớn phù hợp với chiến lược phát triển các khu đô thị vệ tinh cho Tp.HCM. Thực tế là quận 6, Quận 8, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh đang trở thành điểm nóng đầu tư. Do đó, có thể nói sự phát triển của BĐS khu Tây là nhờ vào những bước tiến phát triển hạ tầng vượt bậc và định dạng phát triển dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Báo cáo của DKRA còn cho thấy, thị trường BĐS không chỉ chuyển dịch về khu vực phát triển mà còn có sự chuyển dịch ở loại hình bất động sản. Thời điểm năm 2016 các dự án căn hộ trung-cao cấp chiếm tỷ lệ khá lớn (khoảng 70% nguồn cung thị trường) thì đến quý I/2017, một lượng lớn các dự án căn hộ bình dân được tung ra, mở ra cơ hội cho nhiều khách hàng với mức tài chính phù hợp. Cụ thể, căn hộ trung cấp, bình dân vươn lên trở thành phân khúc dẫn dắt nguồn cung và sức tiêu thụ của thị trường với 6.200 căn mở bán, chiếm 88% tổng cung thị trường. Trong đó căn hộ bình dân có giá dưới 1 tỷ chiếm 45%, căn hộ trung cấp với giá dưới 2 tỷ chiếm 43%. Đáng chú ý, phân khúc cao cấp chỉ có khoảng 868 căn, chiếm 12%. Trong quý này, lượng tiêu thụ của thị trường căn hộ giảm sút rõ rệt. Chỉ có khoảng 5000 căn hộ được chào bán thành công, chiếm khoảng 69% tổng sản phẩm mở bán. Nhờ ưu thế về nguồn cung mới nên lượng tiêu thụ của phân khúc trung cấp, bình dân vươn lên dẫn đầu cả quý với hơn 4235 căn được giao dịch. Tỷ lệ giao dịch thành công các dự án chủ yếu tập trung ở khu Tây, lên tới 50%.   

Ông Phạm Lâm, TGĐ Công ty BĐS Danh Khôi Á Châu nhận định, thị trường BĐS khu Tây Tp.HCM đang có những bước phát triển vững chắc và ổn định. Việc ngày càng nhiều dự án triển khai tại đây tạo nên áp lực cạnh tranh gay gắt hơn cho các doanh nghiệp mới. Tuy nhiên áp lực cạnh tranh này là một trong những yếu tố giúp cho thị trường khu Tây phát triển tốt hơn. Để tăng tính cạnh tranh và giữ thanh khoản tốt cho thị trường, các CĐT đang triển khai dự án tại đây cần nhìn vào nhu cầu người mua, đồng thời đảm bảo các sản phẩm cung ứng ra thị trường có chất lượng ngày một nâng cao, giá bán không vượt quá định mức chung của thị trường. Ngoài ra cũng cần cải thiện chính sách bán hàng, hỗ trợ tài chính, lãi suất vay... Nhìn chung, sự cạnh tranh sẽ giúp kìm hãm xu hướng tăng giá đột biến ở thị trường khu Tây và giúp gia tăng chất lượng dự án tại khu vực này.