Ông Okamura Daisaku, Chủ tịch Okamura Home cho biết, tập đoàn quyết tâm chinh phục vùng đất mới ở khu vực Đông Nam Á và kỳ vọng đặt dấu ấn tại thị trường Việt Nam. Mục tiêu của nhà đầu tư Nhật này là trở thành một trong những nhân tố dẫn đầu thị trường cung cấp các dịch vụ quản lý và vận hành các sản phẩm BĐS đầy triển vọng và tiềm năng tại Tp. HCM.
Trước đó, thị trường BĐS nghỉ dưỡng cao cấp tại Phú Quốc liên tục chào đón những nhà quản lý đến từ châu Âu. Trong năm 2016, Sun Group cũng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với đại gia đến từ Pháp - Accor Hotels về việc quản lý chuỗi khách sạn và khu nghỉ dưỡng đẳng cấp của doanh nghiệp. Những dự án nằm trong thỏa thuận này này bao gồm: Premier Village Phu Quoc Resort, The Sebel Phu Quoc, một số khách sạn tại Đà Nẵng và Sapa. Hiện tại, AccorHotels cũng quản lý khách sạn tại miền Trung của Sun Group là Premier Village Danang Resort và Novotel Premier Han River.
Năm 2015, M.I.K Corporation đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Khách sạn Quốc tế Meliã (Meliã Hotels International - MHI) đến từ Tây Ban Nha để quản lý khu nghỉ dưỡng 4 sao Sol Beach House Phú Quốc tọa lạc tại Bãi Khem. Ngoài ra, khu nghỉ dưỡng 5 sao Crowne Plaza Phú Quốc Starbay do đơn vị này phát triển đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Khách sạn IHG (InterContinental Hotels Group) để quản lý và vận hành dự án vào năm 2017.
Tại Tp.HCM, chuỗi dự án nhà phố xây sẵn nằm dọc theo hệ thống cao tốc, vành đai tại quận 9, thuộc khu Đông thành phố của Công ty Khang Điền cũng chọn CBRE làm nhà quản lý. Trong khi đó, đa phần các dự án BĐS phức hợp hạng sang và khách sạn 4-5 sao nằm ở khu trung tâm Sài Gòn cũng đều chọn những thương hiệu danh tiếng của phương Tây làm nhà quản lý.
Có thâm niên giảng dạy trong ngành quản lý BĐS, Thạc sĩ Trang Minh Hà, Giảng viên Học viện kế toán quản trị doanh nghiệp IABM đánh giá, việc các đại gia quốc tế đổ xô đến Việt Nam và nhanh chóng giành được các hợp đồng quản lý dự án hạng sang đã diễn ra trong nhiều năm qua. Làn sóng này đang ngày càng mạnh mẽ do sự tăng tốc vượt bậc của BĐS cao cấp và BĐS nghỉ dưỡng.
Trên thực tế, việc quản lý khách sạn 4-5 sao nói riêng và BĐS cao cấp nói chung không đơn thuần là thực hiện những tiêu chuẩn cứng nhắc mà là kỹ năng và công nghệ bậc thầy đòi hỏi tính kỷ luật rất cao. Do đó, thuê doanh nghiệp ngoại quản lý, đặc biệt là những tập đoàn danh tiếng thế giới, là sự lựa chọn đầy khôn ngoan của các doanh nghiệp trong nước. Thạc sĩ Trang Minh Hà nêu ra 4 lý do chính dẫn đến việc khối ngoại chiếm lĩnh thị trường quản lý BĐS cao cấp và gần như lấn lướt hoàn toàn khối nội.
Một là, các tập đoàn này có thương hiệu mạnh, danh tiếng lớn, giúp cộng hưởng trong việc quảng bá dự án và nâng tầm thương hiệu của chủ đầu tư trong nước trong giai đoạn đầu khai trương.
Hai là, thuê đơn vị nước ngoài quản lý thường đảm bảo được nguồn khách. Hiện nay, một số công ty trong nước có thể quản lý được những dự án có tiêu chuẩn trung bình, song những BĐS cao cấp, hạng sang và quy mô lớn, muốn đông khách và bán được giá cao thì phải hướng đến nguồn cầu là khách quốc tế.
Những tập đoàn danh tiếng trên thế giới có mạng lưới tiếp thị toàn cầu nên dễ dàng tiếp cận nguồn khách quốc tế đa dạng. Họ có những thương hiệu danh tiếng nắm trong tay 3.000-4.000 khách sạn ở cả trăm quốc gia khác nhau.
Ba là, các nhà quản lý quốc tế có tính chuyên nghiệp và tính kỷ luật cao. Họ đã đi trước Việt Nam hàng chục năm ở ngành quản lý và xâm nhập thị trường trong thời gian đủ dài để thấu hiểu thị trường nội tại trong nước và thế giới. Sự am hiểu này có thể tạo nên những thuận lợi nhất định trong quá trình vận hành dự án.
Bốn là, nhà quản lý ngoại có thể tạo nền tảng đào tạo, định hình hệ thống nhân sự tốt trong thời gian đầu. Đồng thời, nền tảng này còn mang lại cơ hội rất lớn cho chu kỳ phát triển sau này của dự án. Theo đó, sau thời gian thỏa thuận hợp tác với các thương hiệu lớn, các ông chủ Việt có thể tính đến phương án nhượng quyền hoặc mua lại thương hiệu để quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế bằng nhân sự nội địa.