BĐS du lịch là miếng bánh sinh lời hấp dẫn nhưng đang bị bỏ ngỏ, đặc biệt việc thiếu hụt các dịch vụ giải trí, nhất là giải trí ban đêm đang khiến nhiều thị trường du lịch lớn như Đà Nẵng, Nha Trang… đánh rơi hàng triệu USD mỗi năm. Mặc dù theo nhiều nguồn phân tích, lợi nhuận đầu tư vào phân khúc BĐS giải trí luôn được đảm bảo ở mức 10%/năm nhưng thực tế thị trường Việt Nam hiện thiếu nhất chính là các khu du lịch và giải trí có quy mô và đồng bộ. Nhiều chuyên gia đã nhận định BĐS giải trí tại Việt Nam như "một gã khổng lồ ngủ quên" và đến nay số lượng dự án thuộc phân khúc này vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, quy mô phát triển tập trung vào một số hạng mục mà không phải là một tổ hợp đa chức năng.
Nhận định về nguyên nhân thị trường BĐS giải trí chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng, GS. Đặng Hùng Võ chỉ ra rằng: “Ở Singapore, Thái Lan, Malaysia..., mô hình BĐS giải trí đã phát triển song song và đồng bộ cùng với thị trường du lịch từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Singapore là ví dụ điển hình về sự thành công của mô hình này khi thu hút lượng khách du lịch rất lớn và tăng trưởng cao trong nhiều năm, mặc dù họ gần như không sở hữu những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và phong phú như chúng ta. Vấn đề hiện nay của Việt Nam là chúng ta thiếu nhà đầu tư tiềm năng với tài chính mạnh đủ để cho gã khổng lồ tỉnh giấc. Các nhà đầu tư Việt Nam thường là vốn ít, do đó không muốn đầu tư vào những dự án quá lớn. Vì vậy thị trường buộc phải chờ thời điểm có nhiều nhà đầu tư tiềm năng, có kinh nghiệm quản lý dự án, có trình độ phát triển khoa học công nghệ tham gia vào thì mới đảm bảo khả năng triển khai được những dự án lớn”.
BĐS du lịch và giải trí là phân khúc mới khá mới mẻ nhưng nhiều tiềm năng phát triển
Phân tích tiềm năng của Việt Nam trong phát triển BĐS giải trí hiện nay, ông Phạm Văn Thường, Trưởng phòng quản lý thị trường bất động sản, thuộc Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng phân tích, đối với BĐS du lịch nghỉ dưỡng, du lịch và giải trí thì Việt Nam đang được đánh giá có tiềm năng cao khi mà hiện các dự án đang vận hành có mức lấp đầy tới mức 90% như ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... Người nước ngoài tới du lịch tại Việt Nam ngày càng nhiều, khách du lịch trong nước cũng có nhu cầu lớn. Theo nhiều đánh giá thì cung đang thiếu quá nhiều so với cầu thật. Như vậy thì việc phát triển những khu du lịch nghỉ dưỡng vui chơi, giải trí tại những vị trí thuận lợi đang có cơ hội phát triển mạnh với khả năng đảm bảo được lợi ích 10% giá trị đầu tư trong một năm. Điều này là hoàn toàn khả thi. Trong giai đoạn hiện nay Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển mạnh phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, giải trí tại các địa điểm có tiềm năng du lịch cao. Trên thực tế thì đã có khá nhiều dự án ở phân khúc này rất hấp dẫn và đang được các nhà đầu tư thứ cấp quan tâm.
Ông Trịnh Việt Hưng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Empire cho rằng, Việt Nam là một đất nước thanh bình, có nhiều danh thắng nổi tiếng thế giới. Nhà nước đang quan tâm phát triển du lịch như một mũi nhọn kinh tế, phát triển hạ tầng kết nối giữa các khu du lịch, có chính sách đất đai phù hợp để phát triển bất động sản du lịch.... Đó chính là các yếu tố về chính sách, pháp luật, thể chế, tổ chức tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, giải trí hiện nay. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh, để BĐS giải trí có thể phát triển mạnh và vươn xa xứng tầm khu vực, cần có sự kết hợp của những yếu tố như văn hóa địa phương, điều kiện địa lý, bổ sung nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp giải trí và du lịch, sự tâm huyết của doanh nghiệp và sự ủng hộ của xã hội. Bên cạnh đó, từng địa phương cần có chính sách khai thác tiềm năng phát triển du lịch cũng như các mô hình giải trí đa dạng phù hợp và mang đậm bản sắc văn hóa riêng. Cuối cùng là sự kết hợp của các chính sách hỗ trợ và định hướng phát triển của các cơ quan chức năng.
Bàn về cơ hội của BĐS du lịch và giải trí trong năm 2016, các chuyên gia nhìn nhận, do là phân khúc mới phát triển, cung còn thấp so với cầu, chắc chắn phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng sẽ có tiềm năng phát triển mạnh, trở thành tâm điểm của thị trường BĐS trong năm 2016. Còn những lo ngại tình trạng thừa cung trong tương lai, các chuyên gia đều đồng thuận, BĐS nghỉ dưỡng giải trí chưa có biểu hiện của sốt giá bởi cung còn hạn chế so với cầu. Nguồn cung BĐS phục vụ du lịch còn đang rất thiếu, vì vậy việc tăng cung cho khu vực này vẫn hợp lý và không thể gây ra khủng hoảng thừa cung trong giai đoạn trước mắt.
Phương Uyên
(Theo Nhịp sống thời đại)