Bất động sản Việt Nam

Bất động sản du lịch - giải trí: “Ai nhanh tay sẽ thắng”

08/07/2016

Đặng Hùng Võ

GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

“Nhà đầu tư nếu có ý định tiếp cận thị trường bất động sản du lịch, giải trí thì nên càng sớm càng tốt. Mặc dù được đánh giá là giàu tiềm năng nhưng dự báo trong tương lai, đặc biệt là tại những vị trí đắc địa, loại hình bất động sản này sẽ ngày càng trở nên có giá”, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhìn nhận.

Bất động sản du lịch đang cho thấy sự trỗi dậy và nhận được phản hồi tốt của giới đầu tư, ông nhận định thế nào về xu hướng này?

Đó thực sự là tín hiệu tốt. Trước đây quan điểm về bất động sản du lịch, giải trí chỉ là khách sạn với đầy đủ tiện nghi, khu vui chơi giải trí có kiến trúc, cảnh quan đặc biệt. Tư tưởng du lịch như vậy mang tư duy chủ yếu theo lối truyền thống.

Qua tìm hiểu nhu cầu thực tế, học hỏi từ nhiều nước, đặc biệt là Thái Lan, tư duy về hoạt động du lịch của Việt Nam đã thực sự đổi khác. Sự đổi mới này đã được một số chủ đầu tư chuyên nghiệp, có tầm nhìn xa… khai thác khá thành công bằng các loại hình hàng hóa bất động sản mới phù hợp với  nhu cầu lưu trú mới. 

Họ cũng đã tạo ra phương thức đầu tư phù hợp với loại hàng hóa bất động sản du lịch mới gắn với nhu cầu lưu trú mới thông qua quá trình gom vốn đầu tư của cả nhà đầu tư dự án với người mua bất động sản nhằm tạo khả năng đầu tư các khu du lịch lớn. 

Theo phương thức này, nhà đầu tư các dự án xây dựng các khu du lịch lớn có thể tạo giá trị gia tăng cao hơn cho hàng hóa bất động sản du lịch khi hàng hóa đó đủ thỏa mãn mọi nhu cầu về du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi. 

Chủ sở hữu các bất động sản, hay còn gọi là nhà đầu tư thứ cấp, có thể vừa sử dụng bất động sản du lịch đó phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của mình trong một thời gian nhất định, có thể trao đổi kỳ nghỉ với các khu du lịch khác của nhà đầu tư dự án và có thể đưa vào kinh doanh du lịch thông qua nhà đầu tư dự án để thu lợi. 

Đây là tư duy kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng theo tầm nhìn dài hạn của các nhà đầu tư chuyên nghiệp và hiện đang được đưa vào khai thác khá hiệu quả.

So sánh giữa phương thức mua nhà ở tại các đô thị để cho thuê đạt lợi ích thu được chỉ khoảng 5 - 6%/năm với phương thức mua bất động sản du lịch đạt lợi ích thu được khoảng 9 - 10%/năm, có thể thấy đầu tư vào bất động sản du lịch tạo hiệu quả cao hơn nhiều. Những phân tích chi phí - lợi ích như vậy đã minh chứng cho tính hấp dẫn của đầu tư vào phân khúc bất động sản du lịch.

Hiện có nhiều chủ đầu tư đổ tiền vào phân khúc này tại các địa danh du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang... Điều này sẽ tác động thế nào đến bất động sản du lịch Việt Nam thưa ông?

Tôi cho rằng, khai thác du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng có nhiều triển vọng là sẽ thành công. Chúng ta lưu ý rằng Việt Nam đang được đánh giá là đất nước rất thanh  bình, an toàn, con người cởi mở và có nhiều bản sắc văn hóa riêng. 

Đây chính là điều kiện tốt để thu hút mọi người tới du lịch, nghỉ ngơi, vui chơi.
 
Tiếp theo, Việt Nam cũng có nhiều di sản độc đáo về cả tự nhiên, lịch sử, văn hóa, nhân văn mà hầu hết mọi người trên thế giới cho rằng cần phải trải nghiệm. Cuối cùng, phát triển kinh tế du lịch cũng là chủ trương lớn của Nhà nước Việt Nam, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển hạ tầng, thu hút du lịch khá mạnh mẽ. 

Tôi cho rằng Việt Nam có khá nhiều địa điểm có tiềm năng lớn về du lịch, trong đó có vùng biển Quảng Ninh, dải ven biển từ Thanh Hóa tới Bình Thuận với khá nhiều bãi biển đẹp có tiếng, tiếp theo là nhiều đảo trên vùng biển từ Đà Nẵng tới Phú Quốc, bên cạnh đó là nhiều vùng núi gắn với các khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng trải dài từ Sa Pa tới núi Bà Đen ở Tây Ninh. Tại các khu có tiềm năng du lịch nói trên, nhiều nơi có thể tổ chức du lịch 4 mùa thuận lợi.

Ngoài những địa điểm nhiều tiềm năng du lịch đã được khám phá, chúng ta cũng có thể khám phá thêm những địa điểm mới có thể phát triểndu lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, ẩm thực, nông nghiệp, làng nghề…

Có thể lấy ví dụ như Nam Định có các cồn ngoài biển với rừng nguyên sinh còn nguyên vẹn, tại đây có thể phát triển thành vùng du lịch sinh thái, đa dạng sinh học, môi trường, biển khá thuận lợi. 

Mô hình du lịch như vậy đã được đầu tư thành công ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam) hay nhiều đảo thuộc vịnh Vân Phong (Khánh Hòa). Tuy nhiên, để mở ra những không gian du lịch mới như vậy, cần tới mức vốn đầu tư lớn. Phương thức đầu tư kết hợp vốn giữa nhà đầu tư dự án và các nhà đầu tư thứ cấp là phương thức phù hợp. 

Thực tế Đà Nẵng đang có cơ hội phát triển mạnh khi thu hút hàng loạt dự án bất động sản giải trí, thậm chí đã có siêu tổ hợp bất động sản du lịch và giải trí được định vị mang đẳng cấp hàng đầu Đông Nam Á. Điều này cho thấy miếng bánh bds du lịch và giải trí đang rất màu mỡ. Quan điểm ông thế nào về ý kiến này?

Thị trường bất động sản Đà Nẵng hiện không chỉ nóng với phân khúc đất nền giá rẻ phục vụ nhu cầu về nhà ở của người dân, mà còn đang trong cơn sốt mới với dòng sản phẩm cao cấp phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi dưới dạng các căn hộ 5 sao gọi là Condotel, các nhà liền kề phù hợp làm cửa hàng mặt phố gọi là Shophouse, các biệt thự rất cao cấp ở dạng villa độc lập, và cũng có thể dưới dạng các khách sạn mini cao cấp. 

Đây chính là sự đa dạng hóa hàng hóa bất động sản du lịch tạo ra nhiều lựa chọn cho nhà đầu tư thứ cấp, cũng như người có nhu cầu tìm kiếm nơi nghỉ dưỡng chất lượng cao ở một “thành phố đáng sống”.

Trong tương lai, sự phát triển bất động sản phụ vụ du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí sẽ tạo nên những tổ hợp lớn, chất lượng cao, khiến ngành du lịch Việt Nam ghi dấu trên bản đồ du lịch thế giới.

Thị trường khởi sắc đã tạo động lực cho các chủ đầu tư đưa ra nhiều loại hình bất động sản mới để hút khách, ví dụ như một doanh nghiệp đã mạnh tay đầu tư cả một tổ hợp khách sạn mini đẳng cấp ở Đà Nẵng. Ông đánh giá thế nào về làn sóng này?

Như trên đã nói, xu hướng đa dạng hóa loại hình bất động sản du lịch đang diễn ra ở nhiều dự án phát triển các du lịch hiện nay. Như vậy, việc hình thành một khu du lịch với nhiều khách sạn ở dạng mini cũng là một lựa chọn mới của chủ đầu tư dự án, có thể tạo khả năng sinh lợi cao.

Loại hình bất động sản du lịch này có thể sẽ phát triển tốt trong tương lai vì phù hợp với nhu cầu du lịch củagiới trẻ đi du lịch 1 mình, cặp đôi hay theo nhóm lớn.  Đa dạng hóa loại hình bất động sản, loại hình du lịch vẫn là xu hướng chung trong quá trình phát triển hiện nay.

Hiện nay, phương thức mua bất động sản và cho chủ đầu tư thuê lại đang thực sự nở rộ, liệu điều này có trở thành xu hướng “nóng” trong tương lai không, thưa ông?

Như trên đã nói, tôi cho rằng đó là một phương thức đầu tư khôn ngoan vì có khả năng huy động rộng rái vốn đầu tư. Đối với các nhà đầu tư thứ cấp là chủ sở hữu các bất động sản du lịch, họ cũng thỏa mãn được mọi yêu cầu, không phải bỏ ra chi phí quản lý bất động sản này mà lại đưa được vào kinh doanh có hiệu quả.

Hiện tại, hiệu quả kinh doanh các bất động sản du lịch khi trao vào tay các nhà đầu tư dự án đã được cam kết ở mức 8 - 10%/ năm, thậm chí có chủ đầu tư dự án đã cam kết tới mức 12%/năm, cao hơn rất nhiều so với phương thức nhà ở tại Hà Nội để cho thuê. 

Theo tôi, tiềm năng đầu tư vào bất động sản du lịch là khá lớn, hiện còn nhiều địa điểm phù hợp và dễ dàng tiếp cận với giá trị đầu tư không cao. Mặc dù vậy, loại hình bất động sản du lịch này sẽ trở thành khan hiếm trong một tương lai không xa, nhấtlà tại những vị trí đắc địa.

Khi đã trở thành khan hiếm thì bất động sản  này sẽ có giá cao hơn và khó tiếp cận hơn. Đây cũng chính là lý do mang lại hiệu quả đầu tư cao hơn đối với bất động sản du lịch do tính khan hiếm trong tương lai.
 
Theo Kiều Châu (vneconomy)