Nếu như đầu năm 2007, thị trường BĐS Bình Dương bỗng dưng nóng cao độ với mức lên giá chóng mặt thì nay lại khá yên ắng, vắng người mua, lắm kẻ bán.
Tại khu Liên hợp công nghiệp – dịch vụ - đô thị Bình Dương, nơi được xem là khu đất “vàng” cũng trở nên vắng hoe. Anh Quân, một cò đất lâu năm chỉ tay về phía bãi đất trống chạy tít đến hết tầm mắt ở khu liên hợp nói: “Từ vài tuần nay số lượng người đến mua giảm hẳn. Làn sóng “tăng giá” đã nhanh chóng tràn từ Tp.HCM về Bình Dương. Những nơi đất sốt nhất trước đây như: Phú Mỹ, Hòa Lợi, Phú Chánh, Định Hòa… giá đất cũng đã tăng mạnh từ 1 đến 3 triệu đồng/m2, thậm chí có nơi tăng đến 10 triệu đồng/m2”.
Tại khu công nghiệp Mỹ Phước 1,2,3,4, Bàu Bàng, Chơn Thành… cũng không nằm ngoài thực trạng chung. Dọc tuyến quốc lộ 13 thuộc xã Thới Hòa và thị trấn Mỹ Phước, hàng chục văn phòng BĐS mua bán sang nhượng ký gửi nhà đất đã đóng cửa.
Chị Phan Thị Thanh, một khách hàng đến ký gởi đất cho hay: “Vào thời điểm nóng, các cò đất đến từ Tp.HCM túc trực ngày đêm để tiếp nhận mối nhưng từ vài tuần qua đã không còn thấy cảnh chào mời rôm rả. Tôi đã đến đây từ sáng sớm để nhờ các dịch vụ bán dùm miếng đất nhưng ghé hơn 40 điểm dịch vụ nhà đất song không thấy dịch vụ nào mở cửa”.
Tại khu vực Trung tâm hành chính Dĩ An, dự án nền đất, nhà phố cũng không mấy khả quan. Theo các cò môi giới chuyên nghiệp tại tuyến đường Truông Tre, giá bán đang có xu hướng tăng so với cuối năm ngoái nhưng vẫn không có người mua. Đất mặt tiền đường số 11 (nối dài với đường Truông Tre, Dĩ An, Bình Dương) trước đây được hô với giá 10 triệu đồng/m2 nay đang nhích lên khoảng 1 triệu đồng/m2.
Một vài sàn giao dịch BĐS cho rằng trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều dự án nhà ở, nhưng giá bán căn hộ đều trên 15-20 triệu đồng/m2. Với mức giá này người dân vẫn chưa có đủ điều kiện tài chính mua nhiều, đa số là những nhà đầu tư thứ cấp từ Hà Nội, Tp.HCM “gom” để cho thuê lại với giá 8-10 triệu đồng/tháng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay hàng loạt dịch vụ nhà đất đã “ngủ đông” vì không có người đến mua. Nhiều dịch vụ mở cửa cũng không nhận “hàng” BĐS mặc dù khách sẵn sàng trả hoa hồng cao. Các sàn giao dịch BĐS ngay cổng ra vào khu công nghiệp Mỹ Phước 3 vắng tanh, văn phòng giao dịch của TDC hay Tất Đất Tất Vàng cũng không một bóng người đến tìm hiểu dự án…
Anh Trần Mạnh Hào, giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại thành phố mới Bình Dương, cho biết hiện nay, tình hình giao dịch nhà đất đã chậm hẳn lại, với mức giảm khoảng 80%. Nếu vào thời điểm cuối năm 2007, hằng tháng sàn có khoảng 400 cuộc giao dịch thành công thì nay chỉ còn khoảng 5 đến 10 cuộc giao dịch. Điều đáng chú ý là số lượng sản phẩm ký gởi bán đang tăng mạnh. Cụ thể, tuần qua sàn có trên 15 sản phẩm nhà đất được ký gởi song không có cuộc giao dịch nào thành công, chỉ có 5,6 người đến xem.
“Hiện, thị trường BĐS tiếp tục trong tình trạng khó khăn, trừ một số ít dự án nhà ở chất lượng cao, công trình thương mại, văn phòng làm việc có đầu ra tốt nhưng chủ yếu cũng chỉ cho thuê. Trong những tháng đầu năm, nhiều dự án tốt chào bán với mức giá khá hấp dẫn nhưng vẫn trong tình trạng “giao dịch thấp”, anh Hào nói.
Nhiều chuyên gia BĐS cho rằng: mặc dù giá nhà đất ở Bình Dương đang chững lại nhưng vẫn còn cao. Trong thời gian qua, thị trường này đã bị các nhà đầu cơ làm giá quá nhiều. Vì vậy, khi Chính phủ siết tín dụng thời gian qua, nguy cơ bị đóng băng rất khó tránh khỏi. Trước thực trạng này, có nhiều nhà đầu tư nóng lòng bán ra để bảo toàn vốn. Mặt khác, Bình Dương là tỉnh công nghiệp phát mạnh, chưa có nhiều dịch vụ tiện ích, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với Tp.HCM đủ lớn, ngoài tuyến đường "độc đạo" QL13 nên khó thu hút người dân địa phương khác về đây.