Bất động sản Việt Nam

Bán “chui” nhà ở xã hội kiếm lời hàng trăm triệu đồng

15/08/2016

Tình trạng mua - bán nhà ở xã hội chưa đủ điều kiện đang diễn ra khá phổ biến, thậm chí công khai rao bán trên mạng internet. Người mua lại những căn hộ này theo kiểu “trao tay” sẽ đối diện với rủi ro về pháp lý, còn người bán trót lọt mỗi căn hộ có thể hưởng chênh lệch hàng trăm triệu đồng.

Không khó để tìm kiếm những mẩu tin rao bán, chuyển nhượng căn hộ nhà ở xã hội trên mạng internet. Từ những dự án chưa bàn giao nhà, đến những dự án mới bàn giao gần đây và chưa cấp sổ đỏ cho cư dân, hay những căn hộ đang được vay theo gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng vẫn được rao bán lại. Có khi cùng một người rao bán một lúc nhiều căn hộ nhà ở xã hội khác nhau.

 

mua bán chui nhà ở xã hội, mua nhà ở xã hội, tiền chênh nhà ở xã hội

Tình trạng mua bán nhà ở xã hội chưa đúng quy định diễn ra khá phổ biến.

Liên hệ với một người đăng tin rao bán 2 căn hộ nhà ở xã hội có diện tích 56m2 và 63,3 m2 tại dự án Ecohome 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), phóng viên VOV được biết, giá bán lại là 18,3 -18,5 triệu đồng/m2. Giá gốc mua căn hộ tại dự án nhà ở xã hội Ecohome 2 là hơn 14 triệu đồng/m2. Như vậy, nếu bán “trao tay” được một căn hộ, người bán có thể kiếm lời ít nhất hơn 200 triệu đồng.

“Chỉ có bên văn phòng Luật họ xác nhận, làm hợp đồng và làm chứng để tránh trường hợp tranh chấp. Hồ sơ thì có hợp đồng mua bán và một cái đặt cọc, khi nào đủ điều kiện sang tên thì 2 bên sang tên với nhau. 5 năm là tính từ đầu thì đến thời điểm này là hơn 3 năm rồi. Anh cho em giữ lại 35 triệu, sau này có sổ đỏ rồi thì em đóng với chủ đầu tư để lấy sổ về”, người bán cho biết.

Việc rao bán nhà ở xã hội khi chưa đủ điều kiện giao dịch diễn ra dưới nhiều hình thức. Có hiện tượng nhân viên môi giới của các sàn giao dịch bất động sản tự ý đăng tin rao bán căn hộ nhà ở xã hội mà không hỏi ý kiến của chính chủ. Mục đích của việc làm này là lợi dụng tâm lý “săn tìm” để mua được nhà ở xã hội, họ cứ rao bán trước rồi nhận đặt cọc lên tới hàng trăm triệu đồng, sau đó mới thương lượng với chủ nhà.

Một người dân đã mua một căn hộ tại dự án nhà ở xã hội Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) bức xúc: “Tôi là chính chủ mua nhà ở xã hội, nhưng không hiểu sao trên mạng lại thấy có những trang rao bán chính căn hộ của tôi mà tôi không hề biết. Sau khi tìm hiểu gọi đến chính đơn vị rao bán đấy thì tôi được biết đó là nhân viên của các sàn giao dịch. Nếu như tôi có nhu cầu họ sẵn sàng nhận đặt cọc lên đến hàng trăm triệu. Có những khách hàng cũng đã bị lừa, đóng tiền vào nhưng không mua được mà cũng không được trả lại tiền”.

Điều 19 Nghị định 100 của Chính phủ về Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội nêu rõ: Người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua; chỉ được phép bán lại hoặc cho thuê sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Trong thời hạn chưa đủ 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở xã hội, nếu bên mua hoặc thuê mua có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội thì chỉ được bán lại cho Nhà nước hoặc bán lại cho chủ đầu tư, hoặc bán lại cho đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội, với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLaw, nếu mua lại nhà ở xã hội khi chưa đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, người mua nhà sẽ rất rủi ro, thậm chí là “trắng tay”.

Đối với những căn hộ này, do chưa đủ điều kiện giao dịch nên các bên chỉ tiến hành làm hợp đồng trao tay và không có giá trị pháp lý. Sau này người mua lại nhà muốn hợp pháp hóa sẽ rất khó khăn, vì là giao dịch bất hợp pháp ngay từ đầu và có nguy cơ không thể sang tên để vào sổ đỏ. Nếu có tranh chấp xảy ra, tòa án sẽ tuyên hợp đồng mua bán này vô hiệu. Nếu người bán lật lọng, đòi lại nhà, người mua lại sẽ phải chịu thiệt.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà khẳng định, văn phòng luật sư hoặc bất kỳ bên thứ 3 nào tiến hành xác nhận hợp đồng mua bán khi nhà ở xã hội chưa đủ điều kiện giao dịch đều không có giá trị pháp lý.

“Quy định của luật và việc mua bán nhà ở xã hội là phải 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải không còn khoản vay nào với ngân hàng. Hiện nay người ta bán nhà ở xã hội chủ yếu là bán lại suất mua, hầu hết là chưa đủ điều kiện 5 năm, có thể vẫn sử dụng gói vay 30.000 tỷ thì những nhà này thuộc đối tượng không được giao dịch. Vì vậy việc giao dịch như thế với xác nhận chứng kiến của văn phòng luật sư là không đúng”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà chỉ rõ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua bán nhà ở xã hội sai quy định diễn ra tràn lan. Vì áp lực về nhà ở và không có nhiều tiền nên nhiều người bất chấp các rủi ro về pháp lý để mua lại nhà ở xã hội theo kiểu “trao tay” nhằm giải quyết nhu cầu chỗ ở trước mắt. Có cầu ắt có cung, nên nhiều người, trong đó không ít là môi giới bất động sản đã tranh thủ kiếm lời, bất chấp vi phạm pháp luật để bán nhà ở xã hội và hưởng chênh lệch, đẩy rủi ro cho người mua.

Theo Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam – ông Trần Ngọc Hùng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này vẫn là việc quản lý chưa tốt và xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội ngay từ đầu chưa đảm bảo đúng đối tượng. Hiện việc xét duyệt hồ sơ mua nhà được giao toàn quyền cho chủ đầu tư mà thiếu giám sát, nên rất dễ để lọt vào danh sách mua nhà ở xã hội những người không thuộc đối tượng được mua.

“Nhà ở xã hội và cả gói 30.000 tỷ đang bị lợi dụng rất nhiều, vì đã giao cho các chủ đầu tư quyền xét duyệt danh sách để bán. Tốt nhất là việc này phải có một tổ công tác hay một nhóm xét duyệt, nếu giao tất cho chủ đầu tư thì rất dễ sai đối tượng. Ngay danh sách đã sai rồi, còn đằng sau đó là bán trao tay thì nhiều lắm”, Ông Trần Ngọc Hùng khuyến cáo.

Chính sách về nhà ở xã hội là đúng đắn, góp phần giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở của người thu nhập thấp ở đô thị. Việc lợi dụng chính sách tốt đẹp của Nhà nước để trục lợi bằng bất cứ hình thức nào đều cần phải ngăn chặn và xử lý. Thế nhưng, điều đáng nói là tình trạng mua bán nhà ở xã hội chưa đủ điều kiện, sai quy định pháp luật diễn ra phổ biến và đã được cảnh báo từ lâu, nhưng gần như việc điều tra, xử lý đến nay vẫn còn bỏ ngỏ?!

Theo VOV