Thông tin quy hoạch

Vĩnh Phúc: Cải tạo và phát triển đô thị tại Phúc Yên và Yên Lạc

14/04/2017

Theo đó, quy hoạch tỷ lệ 1/500 cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị khu vực I thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc có diện tích quy hoạch là 55,96 ha và theo 2 giai đonạ. Tổng kinh phí dự kiến trên 82,5 tỷ đồng. Đây là bước cụ thể hóa quy hoạch phân khu B1 trong Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc và tạo tiền đề cho công tác cải tạo, nâng cấp và làm mới hệ thống hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong khu vực. Đồng thời, là cơ sở để quản lý việc đầu tư xây dựng và cải tạo đô thị theo quy hoạch, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Khu vực II thị xã Phúc Yên có diện tích 80,47 ha nằm trong phạm vi phường Hùng Vương, thuộc phân khu C2 Đô thị Vĩnh Phúc. Việc xây dựng và triển khai đồ án quy hoạch nhằm cụ thể hóa điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tạo cơ sở pháp lý lập kế hoạch khai thác, sử dụng quỹ đất một cách hợp lý, đánh giá thực trạng sử dụng đất, tạo cảnh quan không gian kiến trúc hiện đại, phù hợp với sự phát triển của cả khu vực. Tổng vốn đầu tư trên 239 tỷ đồng và sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn (2017-2020 và 2021-2030).

Toàn cảnh buổi báo cáo

Tại buổi báo cáo, các đại biểu đề nghị Sở Xây dựng và các đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, khớp nối với quy hoạch phát triển dịch vụ, thương mại tổng hợp; tính toán lại nguồn kinh phí đầu tư, có giải pháp kết nối các tuyến đường được cải tạo, nâng cấp cho phù hợp; quy hoạch phát triển hệ thống giao thông, cấp thoát nước, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Đồng thời, quan tâm đến công tác quản lý môi trường, chỉnh trang nhà cửa của các hộ dân, đặc biệt là nguồn nước phục vụ cuộc sống.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Văn Trì yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng quy hoạch trên nguyên tắc hướng đến sự hiện đại nhưng giữ nguyên hiện trạng sẵn có. Khi lập quy hoạch phải nghiên cứu kỹ phong tục, tập quán, lối sống của người dân. Bên cạnh đó, tính toán lại nguồn lực đầu tư và có lộ trình triển khai cụ thể cho phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế; tạo sự kết nối chung giữa các quy hoạch, giữa các quy hoạch sử dụng đất, phát triển hệ thống giao thông, cây xanh, đất dành cho phát triển hạ tầng xã hội; quan tâm đến hệ thống cấp thoát nước, công tác bảo vệ môi trường và có giải pháp quản lý về mặt kiến trúc.